Nomadland - Cõi người dưng - Đời Du Dân Mỹ Thế Kỷ 21
Cõi người dưng - Nomadland là cuốn bút ký của nhà báo Mỹ nổi tiếng Jessica Bruder. Năm 2014, Jessica Bruder được đặt hàng viết bài về sự gia tăng của tầng lớp thu nhập thấp ở Mỹ, những “nomad” - du dân. Họ sống trên các “di động sản” (xe hơi, xe van, RV) và làm các công việc thời vụ để đổi lấy một chỗ cắm trại miễn phí, và ít tiền công bèo bọt. Tháng 8, năm 2014, tạp chí Harper’s đăng bài viết của Jessica Bruder – “The End of Retirement - When you can’t afford to stop working” (Kết thúc của nghỉ hưu - Khi ta không thể ngừng lao động). Nó ngay lập tức thu hút sự chú ý của công chúng. Nhưng tác giả không muốn trở thành “một nhà báo bất chợt ‘nhảy dù’ vào buổi chiều để đưa tin”, vì những người như thế hiếm khi nào đến đủ gần để bóc tách được những hình thái của sự thật. Do đó, cô đã bỏ ra 3 năm ròng, lúc còn khá trẻ (37 tuổi), từ giã New York tiện nghi, chu du khắp các nẻo đường nước Mỹ để sống cùng với những du dân và sống như một du dân.
Sau khi xuất bản năm 2017, Cõi người dưng - Nomadland trở thành hiện tượng của nước Mỹ. Sách ngay lập tức xuất hiện trong danh sách “best-seller” và được The New York Times gọi tên trong các mục “Notable Book”. Tác phẩm nhận được nhiều giải thưởng khi vào vòng chung kết của giải J. Anthony Lukas Prize và giải The Helen Bernstein Book. Sau đó, sách thắng giải The Banes & Noble Discover Great New Writers và giải thưởng quốc tế Ryszards Kapuściński. Tính cho đến nay, tác phẩm đã được dịch ra 25 ngôn ngữ (bao gồm bản dịch tiếng Việt này). Không lâu sau đó, sách được chuyển thể thành phim cùng tên và đạt giải Oscar 2021. Điều đặc biệt là một số du dân ngoài đời thực, vốn là nhân vật trong sách, cũng xuất hiện dưới phiên bản hư cấu của chính họ trong phim – với tên thật, như Linda May, Swankie và Bob Wells.
Vì sao một cuốn bút ký, thể loại phi hư cấu lại được người đọc chú ý tới vậy?
Là vì Cõi người dưng - Nomadland chạm tới một trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội Mỹ: những du dân, tức là người sống toàn thời gian trên xe. Với ngôi nhà trên bốn bánh, họ chu du khắp mọi chốn, chối bỏ cách sống thông thường (cần có nhà cửa, nghề nghiệp ổn định, gia đình, con cái…) để theo đuổi lối sống tự do. Họ chống lại cách nền kinh tế - xã hội đang vận hành, thoát khỏi ràng buộc nợ nần vì trả góp nhà cửa, thuế má định kỳ. Họ sống tối giản và dùng giá trị tinh thần từ trải nghiệm dọc ngang nước Mỹ thay cho thước đo vật chất. Họ có tên tuổi, nhưng không có địa chỉ.
Đó là những con người có thể đã ít nhiều lấy cảm hứng từ nhà thám hiểm Mỹ trẻ tuổi Christopher Johnson McCandless (1968-1992) – một sinh viên từng tốt nghiệp Đại học Emory danh giá với bằng cử nhân hai chuyên ngành lịch sử và nhân loại học. Tuy có thành tích cao trong học tập, nhưng sau khi ra trường, McCandless quyên góp khoản tiền tiết kiệm 24.000 đô (vào năm 2021 là khoảng 50.000 đô) cho tổ chức Oxfam. Sau đó anh đi lang thang, khi cần chút tiền thì làm phục vụ trong nhà hàng và nông dân thời vụ. Hành trình lãng du khắp Bắc Mỹ trong 2 năm bằng niềm cảm hứng bất tận – 2 năm thiên lý, không điện thoại, không thú nuôi, không thuốc lá, chỉ có tự do cực hạn. Khi đi tới Alaska, sống một mình trong rừng thẳm, McCandless đã chết vì đói trong một chiếc xe buýt giữa hoang vu.
Các nhân vật trong Cõi người dưng - Nomadland, dẫu vậy, không lãng mạn như McCandless. Rất nhiều nhân vật mà Jessica Bruder gặp gỡ, phỏng vấn trên hành trình của cô là những “baby boomers” – thế hệ sinh ra sau Thế Chiến thứ hai, làm quần quật suốt đời mà chẳng được hưởng đời no ấm. Họ gặp phải khó khăn và kiệt quệ từ cuộc Đại Suy thoái của Mỹ (khủng hoảng tài chính năm 2008). Đại Suy thoái Tài chính này đã giáng xuống đầu họ và gia đình những cú trời giáng: họ mất việc, mất nhà, chịu sự ly tán gia đình và con cái, mất mọi hy vọng. Để tồn sinh, họ chọn lối sống du mục trên loại xe bốn bánh được cải tạo, thay cho mái nhà. Nhiều người trong số họ có gia đình, có nhà cửa nhưng lại mang thương tổn nặng nề. Có người do bệnh nặng không còn sống được bao lâu nữa, có người do ly hôn, hay người thân yêu nhất qua đời, vì thế họ chọn lối sống này, hòng tìm cho mình một không gian tự do, một sự kết nối với thiên nhiên, để có thể chữa lành nỗi đau riêng… Hàng năm, họ vẫn trở về thăm gia đình và người thân, chung đón Giáng sinh và năm mới. Nhưng sau đó họ liền trở lại đời du mục.
Những con người đó – các nhân vật có thật ngoài đời – đậm chất Mỹ. Lối sống của họ khá gần với truyền thống của những di dân đã khai mở và xây dựng nước Mỹ hàng thế kỷ trước. Và vì thế, nó gần với Giấc mơ Mỹ – giấc mơ của những kẻ táo bạo, dám bỏ lại tất cả để khai phá, sống đời tự do trọn vẹn, không ràng buộc. Họ không phải xem bản thân là vô gia cư (“homeless”), mà tự nhận là không nhà (“houseless”). Họ được xem là những hình mẫu truyền cảm hứng đầy thú vị, nhưng đồng thời bị người đời coi là những kẻ ngoài lề xã hội.
Cõi người dưng - Nomadland không tô vẽ hào nhoáng cho cuộc sống của những cư dân ấy. Họ khắc khổ, nhưng không khổ hạnh. Họ táo bạo, nhưng thực tế. Họ có vẻ cô độc, nhưng thực ra luôn quan tâm lẫn nhau. Để sống một cuộc đời du mục với cơ hội nhìn ngắm thế giới mỗi ngày, họ phải đánh đổi và trả giá không ít. Tác giả đã đưa ra một cái nhìn trung dung, giúp độc giả hiểu được những điều ẩn tàng đằng sau cái đẹp của sự tự do.
Đó chính là một phần lịch sử sống động của nước Mỹ.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn sách “Cõi người dưng - Nomadland - đời du dân Mỹ thế kỷ 21”.
-------------------------------
Về tác giả: Jessica Bruder là nhà báo chuyên về đề tài tiểu/nhóm văn hóa (subculture) và các vấn đề xã hội. Để viết tác phẩm nổi tiếng Cõi người dưng - Nomadland, tác giả đã dành 3 năm và đi hết 24.000km (suốt cả chiều dài nước Mỹ, sang tới tận biên giới Mexico và Canada) để thấu hiểu du dân, những con người sống toàn thời gian trên xe, làm các công việc thời vụ.
Bên cạnh Cõi người dưng - Nomadland, Jessica Bruder còn là tác giả của Burning Book và Snowden’s Box: Trust in the Age of Surveillance (viết chung với Dale Maharidge).
Jessica Bruder là giảng viên thỉnh giảng (adjunct professor) của Trường Báo chí Columbia. Cô đã viết bài cho New York Times hơn 10 năm, đồng thời thường xuyên có bài viết đăng trên The Atlantic, Audubon, Harper’s, The Nation và tạp chí WIRED. Các phóng sự, xã luận… của cô cũng xuất hiện trên The Washington Post, The Associated Press, The Guardian, The International Herald Tribune, New York Magazine, The New York Times Magazine, Inc. và O: The Oprah Magazine. Jessica Bruder còn là phóng viên của The Oregonian và The New York Observer, là biên tập viên cao cấp của tạp chí Fortune Small Business.
Jessica Bruder có bằng B.A. tiếng Anh và tiếng Pháp của Amherst College và bằng M.S. về viết báo của Trường Báo chí Columbia. Tác phẩm của cô nhận được nhiều tài trợ từ các tổ chức Rockefeller Foundation’s Bellagio Center, Logan Nonfiction Program, MacDowell và Yaddo.
------------------------------
Về dịch giả: Y Khương tốt nghiệp ngành Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV TP. HCM. Anh là dịch giả của các cuốn sách: Haruki Murakami và âm nhạc của ngôn từ; Becoming - Chất Michelle.
Trích đoạn:
1/ “… giữa thiên niên kỷ thứ hai, một bộ lạc du mục mới đang dần thành hình. Những con người chưa từng nghĩ mình rồi sẽ trở thành du dân giờ lại phải lên đường. Họ từ bỏ nhà cửa và những căn hộ trước đây để vào sống trong ‘di động sản’ theo cách một vài người vẫn hay gọi - chiếc van, RV “si đa”, xe buýt đưa rước học sinh, xe tải cắm trại, trailer du lịch và những chiếc sedan cũ mèm. Họ tránh xa những chọn lựa vốn là lẽ sống của tầng lớp trung lưu xưa kia. Những quyết định đại khái như:
Ta nên chọn thức ăn hay chọn khám răng? Trả tiền thế chấp hay trả tiền điện? Tậu xe hay mua thuốc? Trả tiền thuê hay trả nợ học phí? Mua áo ấm hay mua xăng để chạy?
Với nhiều người, câu trả lời thoạt tiên nghe thật là oách.
Ta không thể tự tăng lương, thế còn cắt đi khoản chi khẳm nhất thì sao? Đổi một chốn nương náu như bao kẻ khác để lấy về một cuộc đời lăn theo những vòng xe thì sao?
Vài người gọi bọn họ là ‘vô gia cư’. Những dân du mục tân thời này không chấp nhận nhãn dán ấy. Được trang bị cả nơi cư trú lẫn phương tiện đi lại, họ chọn cho mình một từ hoàn toàn khác. Họ gọi mình, rất giản dị, là những người ‘không nhà’.”
2/ “Du dân sẽ thu xếp trại và trở về ngôi nhà đích thực của mình – con đường. Họ di chuyển như những tế bào trong các mạch máu của cơ thể mang tên nước Mỹ. Họ sẽ lên đường tìm kiếm bạn bè và gia đình, hay chỉ là một nơi ấm áp. Một số sẽ băng qua hết lục địa. Mọi người sẽ đếm đồng hồ cây số, nó cứ quay đều như trình chiếu một cuộn phim về nước Mỹ… Mắt kèm nhèm, họ tìm nơi để tấp vào và nghỉ ngơi. Ở bãi đậu xe Walmart. Ở những con phố ngoại ô yên tĩnh. Ở những bãi đậu xe tải, giữa âm thanh êm tai của động cơ xe đang dừng. Rồi vào sớm mai – khi mọi người còn đang say giấc – họ trở về cao tốc. Tiếp tục chạy, họ vững tâm biết rằng:
Nơi miễn phí cuối cùng trên nước Mỹ là một chỗ đậu xe.”
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI