Ngày nay, việc một người sống thọ hơn 100 tuổi đã không còn là chuyện hiếm gặp. Chắc hẳn ai cũng mong muốn được sống lâu như vậy mà vẫn khỏe mạnh, minh mẫn.
Một trong những yếu tố to lớn quyết định ước nguyện đó có thành hiện thực hay không chính là “cách xử lý khi được kết luận bệnh”, nhất là đối với những căn bệnh mạn tính ‒ một vấn đề hiện vẫn chưa thể tìm ra cách xử lý phù hợp.
Cụ thể ở đây phải kể đến ung thư, một loại bệnh vốn vẫn chịu thành kiến là nan y và luôn khiến người đón nhận nó hoảng sợ không biết phải xử trí ra sao. Hơn nữa, bác sĩ ở bệnh viện nào khi gặp phải các khối u cũng đều muốn nhanh chóng “cắt bỏ” và “dùng thuốc chống ung thư”, trong khi đó những người không có chuyên môn lại chẳng thể đánh giá nổi những quyết định ấy là hợp lý hay phi lý. Kết cục là có nhiều người đã bị điều trị bằng những giải pháp không thỏa đáng.
Trong số những người nổi tiếng ở Nhật được chẩn đoán mắc ung thư, có rất nhiều người mất mạng không phải vì ung thư mà vì phẫu thuật hoặc vì dùng thuốc chống ung thư, có thể kể đến nghệ sĩ kịch Kabuki Nakamura Kanzaburo đời thứ 18, võ sĩ Sumo Chiyonofuji (lò luyện Kokonoe), nhà văn Watanabe Junichi, nữ diễn viên Kawashima Naomi, phóng viên làng giải trí Nashimoto Masaru, v.v.. Lý do dẫn đến cái chết của họ sẽ được tác giả Makoto Kondo trình bày ở các nội dung tiếp theo trong cuốn sách “Đừng để những tin đồn về ung thư giết chết bạn”, nhưng nếu những nhân vật đó được điều trị bằng biện pháp khác thì có thể hiện giờ họ vẫn đang hoạt động tích cực trong lĩnh vực của mình.
Khác với người thường, người nổi tiếng thường có nhiều mối quen biết trong ngành y. Thế nên dù bị ung thư hay bất cứ căn bệnh nào khác, họ cũng sẽ ngay lập tức nhận được sự chữa trị của các bác sĩ nổi tiếng hoặc những “đôi tay của Chúa”. Vậy mà họ vẫn không qua khỏi. Đây chính là bằng chứng cho thấy những phương pháp điều trị hiện đại vốn được coi là tiêu chuẩn thực ra vẫn thất bại ở điểm nào đó.
Người đối thoại cùng Makoto Kondo trong cuốn sách này là nhà văn Michitsuna Takahashi, tác giả cuốn tự truyện “Cảm ơn xơ gan, xin chào tiểu đường”. Mặc dù bằng tuổi với tác giả nhưng ngay từ thời trẻ, anh đã sống vô cùng sôi nổi và tích cực, hơn nữa anh còn là một nhân tài xuất chúng đã đạt giải thưởng văn chương danh giá Akutagawa khi chưa đầy 30 tuổi.
Tuy nhiên, năm 34 tuổi, anh đã phải phẫu thuật cắt bỏ 3/4 dạ dày vì căn bệnh loét tá tràng, rồi gần đây lại mắc thêm bệnh xơ gan và tiểu đường, chưa kể từng “thập tử nhất sinh” vì bệnh não gan. Trong quá trình điều trị, anh còn bị phát hiện thêm khối u trong thực quản, và đương lúc chuẩn bị phẫu thuật nội soi cắt bỏ khối u đó, các bác sĩ lại phát hiện anh có khối u khác trong dạ dày còn sót lại từ lần phẫu thuật trước. Tuy nhiên, nhờ thực hiện “phương pháp mặc kệ ung thư” của Makoto Kondo, đến nay anh vẫn tiếp tục sống mà không cần điều trị.
Anh Takahashi quả giống như một “bách hóa tổng hợp” của các loại bệnh, thế nên những trải nghiệm của anh vô cùng đáng giá. Trong khi họ cùng thảo luận về cách điều trị không chỉ ung thư mà cả những bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc xơ gan, Makoto Kondo nhận thấy anh chính là người đối thoại thích hợp nhất cho cuốn sách này nên đã mời anh cộng tác.
Ung thư là gì? Ung thư giai đoạn đầu và ung thư giai đoạn tiến triển khác nhau thế nào? Ung thư giai đoạn đầu có thể chuyển thành ung thư giai đoạn tiến triển không? “Ung thư giả” và “ung thư thật” khác nhau ở điểm nào? Đâu là những vấn đề của phẫu thuật? Thuốc chống ung thư có tác dụng không? Phương pháp điều trị miễn dịch là gì? Thực hiện phương pháp mặc kệ ung thư có nghĩa là chúng ta nên mặc kệ mọi loại ung thư ư? Thế còn bệnh tiểu đường, xơ gan thì sao? Anh Takahashi còn đặt ra vô số câu hỏi khác, song Makoto Kondo sẽ tiến hành giải đáp từ bản chất vấn đề, bởi đối với tác giả, việc giải tỏa thắc mắc luôn là một niềm vui. Hơn nữa, Makoto Kondo tin rằng cuốn sách sẽ trở nên dễ đọc và dễ hiểu hơn khi được viết dưới hình thức đối thoại.
Hi vọng cuốn sách này sẽ hữu ích cho bạn.
---
Trích đoạn sách:
Đừng điều trị ung thư nếu không muốn khổ!
“Vậy là ung thư không hề có định nghĩa sao?” “Đúng vậy, vấn đề nảy sinh chính từ đó.”
Michitsuna Takahashi (từ đây sẽ được viết giản lược thành Takahashi): Tôi đang viết một loạt bài dài kỳ với tiêu đề “Những thử nghiệm của một nhà văn sau khi bị ung thư” cho Iwanami Shobo để đăng trên tạp chí Đồ thư thì được bác sĩ mời đối thoại, thật may mắn quá. Cho phép tôi hỏi thật nhiều nhé.
Makoto Kondo (từ đây sẽ được viết giản lược thành Kondo): Vậy hãy bắt đầu từ chính căn bệnh ung thư
Takahashi: Ắt hẳn, trong giới bác sĩ đã có nhiều người đưa ra lý thuyết về nguyên nhân gây bệnh ung thư rồi. Tôi có biết một lý thuyết cho rằng trong quá trình các tế bào gia tăng, ADN phải hứng chịu những ức chế nào đó khiến tế bào bị ung thư hóa. Tuy nhiên tôi vẫn chưa rõ, rốt cuộc thì ung thư là cái gì?
Kondo: Thực ra thì cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa về ung thư.
Takahashi: Bác sĩ nói sao, chưa có định nghĩa ư?
Kondo: Đúng vậy. Chúng ta không thể dùng từ ngữ đơn thuần để lý giải ung thư, vì việc này sẽ làm phát sinh nhiều vấn đề. Chỉ cần phát hiện cơ thể anh có một chứng bệnh đáng nghi nào đó, các bác sĩ sẽ lấy tế bào, rồi đem soi qua kính hiển vi. Sau đó, họ nhìn vào mặt anh mà nói: “Đó là ung thư”. Thế là anh bị ung thư thôi.
Takahashi: Tức là một người sẽ trở thành bệnh nhân ung thư chỉ theo cách đơn giản vậy sao?
Kondo: Cho đến khoảng thế kỷ 19, những người mắc ung thư đều qua đời dù có chữa trị hay không, nên căn bệnh này được định nghĩa là “bệnh nan y do gia tăng tế bào”. Tuy nhiên về sau, nhờ sự ra đời của nhiều thiết bị xét nghiệm tiên tiến, nên người ta đã phát hiện thêm nhiều triệu chứng nhỏ khác.
Takahashi: Bệnh này được phát hiện từ khá sớm đấy nhỉ.
Hễ thứ gì trông có vẻ hơi nguy hiểm là lập tức bị quy thành “ung thư”.
Kondo: Tuy nhiên, tế bào ung thư không phải “10 người 10 vẻ” mà là “1.000 người 1.000 vẻ”. Những tế bào tưởng chừng nguy hiểm thực chất lại lành tính, và ngược lại, những tế bào cứ ngỡ là lành tính hóa ra lại đang âm thầm hủy hoại cơ thể. Ngoài ra, còn rất nhiều trường hợp mơ hồ không thể kết luận chính xác.
Takahashi: Đúng là có nhiều trường hợp mơ hồ thật.
Kondo: Tuy nhiên, chỉ cần phát hiện thấy những tế bào có vẻ nguy hiểm là các bác sĩ xét nghiệm sẽ lập tức kết luận đó là khối u ác tính, hay nói cách khác là “ung thư”. Sau đó, họ chuyển kết quả tới các bác sĩ ngoại khoa để thông báo cho bệnh nhân. Chính các bác sĩ ngoại khoa cũng thường nói với các bác sĩ xét nghiệm thế này: “Cứ thấy cái gì đáng nghi thì các anh quy ra ung thư hết nhé.”
Takahashi: Có vẻ như chẳng mấy ai biết là ung thư không hề có định nghĩa nhỉ?
Kondo: Các bác sĩ không bao giờ nói ra điều đó, vì việc quy mọi nghi vấn thành “ung thư” sẽ dễ dàng hơn cho họ.
Takahashi: Có vẻ tôi đã hiểu hơn rồi đấy, có những bệnh là “ung thư thật” và có những bệnh không phải là ung thư.
Kondo: Anh có thể tạm chia chúng thành hai nhóm lớn: một nhóm “đã di căn đến các cơ quan khác vào thời điểm bị phát hiện và có điều trị cũng không khỏi”, và nhóm còn lại thì “có mặc kệ cũng không chết”, nhưng cả hai nhóm này đều bị gọi bằng cái tên chung là “ung thư”.
Cả hai loại ung thư của anh Takahashi - ung thư thực quản lẫn ung thư dạ dày - đều là “ung thư giả”.
Takahashi: Vậy chắc mỗi bác sĩ lại có định nghĩa khác nhau về ung thư phải không?
Kondo: Có thể hiểu như vậy. Đối với ung thư giai đoạn đầu, có bệnh viện gọi đó là “ung thư”, bệnh viện khác lại cho nó là “u lành tính”. Sự khác biệt về quan điểm này thể hiện rõ rệt ở các ca ung thư dạ dày. Hơn nữa, mỗi nước cũng có một cách nhìn nhận khác nhau. Một “cái nhọt” có thể được xem là khối u lành tính ở các nước Âu Mỹ nhưng tại Nhật Bản thì có khi lại bị liệt vào “ung thư”.
Takahashi: Tôi được phát hiện hai khối u dạ dày giai đoạn đầu, trong đó một khối có vẻ nguy hiểm. Họ cũng khuyên tôi nên phẫu thuật nội soi ngay nhưng tôi từ chối. Vợ tôi đã rất hoảng sợ sau khi nghe hai bác sĩ, một nội khoa một ngoại khoa, phán thế này: “Nếu không phẫu thuật ngay thì nửa năm nữa tình hình của anh nhà sẽ đáng ngại lắm”. Từ đó đến nay cũng được bốn năm rồi và tôi vẫn tiếp tục từ chối phẫu thuật.
Kondo: Anh làm vậy là rất đúng.
Takahashi: Vì tôi đã gặp nhiều khó khăn hơn tôi tưởng ở lần phẫu thuật nội soi ung thư thực quản trước đó.
Kondo: Cả ung thư dạ dày lẫn thực quản của anh đều là “ung thư giả”. Trường hợp này có thể cắt bỏ bằng nội soi vì chúng chỉ giới hạn trong niêm mạc và không có khả năng di căn.
Takahashi: “Ung thư giả” sao? Ý bác sĩ muốn nói một khối u có vẻ nguy hiểm nhưng thực chất chỉ là một thứ vô hại trú ngụ trong cơ thể mình thôi đúng không?
Hãy quên đi những thứ ung thư được phát hiện trong các kỳ kiểm tra sức khỏe!
Takahashi: Trước tiên, tôi muốn hỏi về phương pháp “mặc kệ ung thư”. Ý bác sĩ có phải là “hãy mặc kệ mọi loại ung thư” không?
Kondo: Anh có thể hiểu phương pháp đó theo nghĩa là “có những thứ cứ mặc kệ thì tốt hơn”.
Takahashi: Nhưng bác sĩ cũng khẳng định rõ ràng rằng những kỳ kiểm tra sức khỏe hầu như không có giá trị, phải vậy không?
Kondo: Có rất nhiều lý do để nói vậy, song tựu trung lại tôi nhận thấy kiểm tra sức khỏe là điều vừa không cần thiết vừa có hại. Vì phần lớn mọi người đều đi kiểm tra sức khỏe trong tình trạng khỏe mạnh, họ không hề thấy đau đớn hoặc ngứa ngáy ở đâu cả.
Dù anh có điều trị hết lòng cho một người khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng thì cũng không thể giúp họ khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng hơn được. Ngược lại, sự can thiệp ấy chỉ làm cho sức khỏe của họ bị suy yếu, thể lực của họ bị giảm sút, và trong một số trường hợp còn có thể dẫn tới tử vong.
Chính vì vậy, nhìn chung anh nên mặc kệ những căn bệnh được phát hiện trong các kỳ kiểm tra sức khỏe, kể cả ung thư. Hãy quên hết chúng đi. Từ hơn 20 năm nay, tôi vẫn luôn khẳng định điều đó.
Takahashi: Nghĩa là chúng ta không cần phải điều trị những loại ung thư được phát hiện nhờ các kỳ kiểm tra sức khỏe?
Kondo: Đúng vậy, tốt nhất anh Takahashi nên mặc kệ mấy thứ ung thư dạ dày và thực quản của mình.
Takahashi: Nhưng tôi đã lỡ điều trị ung thư thực quản mất rồi.
Kondo: Tuy anh Takahashi không hẳn là khỏe mạnh hoàn toàn, nhưng anh đi kiểm tra sức khỏe cũng không phải vì nghi ngờ mắc ung thư, nên trường hợp của anh cũng không khác là bao so với những trường hợp phát hiện ung thư qua khám sức khỏe định kỳ.
Tôi chưa từng thấy trường hợp nào cần phải điều trị tích cực thứ ung thư được phát hiện khi cơ thể đang khỏe mạnh cả. Kể cả việc kiểm tra sức khỏe toàn diện khi đó cũng là không cần thiết.
Takahashi: Chưa từng có bác sĩ nào đề cập đến chuyện này nhỉ?
Kondo: Vì nếu đồng tình với tôi thì họ biết kiếm sống bằng gì. Cứ mỗi năm, tại Nhật Bản lại có thêm một triệu bệnh nhân ung thư mới, mà một nửa trong số đó được phát hiện qua các kỳ kiểm tra sức khỏe. Nếu nghe theo tôi, 500.000 người này có thể mặc kệ kết quả chẩn đoán ung thư và không cần phải điều trị.
Takahashi: Nếu số bệnh nhân đột nhiên giảm đi một nửa thì sẽ có không ít bệnh viện bị phá sản đâu. Kondo: Hơn nữa, số người chết vì ung thư chắc chắn cũng giảm đi một nửa. Tại sao lại nói như vậy? Bởi trong số những ca bị cho là “chết vì ung thư” tại Nhật Bản, có tương đối nhiều trường hợp “chết do điều trị”.
Vì vậy, tôi cho rằng mặc kệ ung thư là một liệu pháp tốt
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI