1. Sách
  2. ///

Tác Giả Nguyễn Mạnh Hùng

Tổng hợp sách của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng tại KhoSach.com.vn
bài học từ người quét rác (tái bản)

Triết gia Đức F. Hegel nói: “Chẳng có gì trên thế gian này có thể đạt tới mà thiếu đi niềm đam mê”. Ở Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, tôi nhận thấy niềm đam mê ấy.

Tôi rất may mắn có một đồng nghiệp tuyệt vời như anh Nguyễn Mạnh Hùng. Với thời gian làm việc 12 năm ở FPT, kinh qua nhiều chức vụ và vị trí khác nhau, Nguyễn Mạnh Hùng luôn thể hiện năng lực, quyết tâm và tinh thần làm việc hết mình. 12 năm làm việc cùng nhau để chúng tôi hiểu nhau, để tôi hiểu về anh, nhất là niềm đam mê đối với sách, khả năng lãnh đạo, về tài năng kinh doanh và sự cống hiến hết mình của anh. 12 năm là quá đủ để tôi và các đồng nghiệp tại FPT hiểu con người giản dị và chân thành của anh, hiểu cá tính và tinh thần học hỏi của anh. Điểm khác biệt của Nguyễn Mạnh Hùng là anh luôn hết mình và thành công.

Nguyễn Mạnh Hùng đã từ FPT đã chuyển sang một lĩnh vực mới – xuất bản sách. Tôi luôn theo dõi và cổ vũ những thành công của anh và Thái Hà Books. Tôi rất hân hạnh khi viết lời giới thiệu cho cuốn sách đầu tay của anh. Cuốn sách là tập hợp một số bài viết của anh đã đăng trên các báo và tạp chí lớn của Việt Nam trong mấy năm qua. Nội dung cuốn sách Bài học từ người quét rác không nằm ngoài tri thức và sẻ chia tri thức. Ở đây, bạn đọc cũng có thể thấy được phác họa chân dung của Nguyễn Mạnh Hùng – những nét cá tính, những dấu mốc trong cuộc đời, những trăn trở, lo toan của một doanh nhân khi đứng trước các vấn đề xã hội. Như phụ đề của cuốn sách nêu rõ: Doanh nhân với tinh thần xã hội, tôi rất vui mừng khi thấy ở anh Hùng điều nay.

Cuốn sách là tập hợp một số bài viết của Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách Thái Hà - đã đăng trên các báo và tạp chí lớn của Việt Nam trong mấy năm qua. Nội dung cuốn sách Bài học từ người quét rác không nằm ngoài tri thức và sẻ chia tri thức. Ở đây, bạn đọc cũng có thể thấy được phác họa chân dung của tác giả – những nét cá tính, những dấu mốc trong cuộc đời, những trăn trở, lo toan của một doanh nhân khi đứng trước các vấn đề xã hội. Như phụ đề của cuốn sách nêu rõ: Doanh nhân với tinh thần xã hội.

“Bài học từ người quét rác” được xuất bản từ năm 2009 đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ từ bạn đọc, và liên tục được tái bản. Trong lần tái bản này, tác giả TS Nguyễn Mạnh Hùng sẽ bổ sung thêm các bài viết mới và cuốn sách cũng sẽ trong một diện mạo mới cho tác phẩm.

TRÍCH ĐỌC SÁCH:

Bài học từ người quét rác

Học là việc của cả đời. Ngày tốt nghiệp đại học, tôi mới bắt đầu sự nghiệp học hành của chính mình học từ cuộc sống. Biết bao người thầy sau này đã dạy cho tôi vô vàn kiến thức. Họ là các giáo sư, tiến sĩ, các chủ tịch, tổng giám đốc của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Tuy nhiên, tôi không thể nào quên được một người thầy đặc biệt của mình − thầy Allen.

Hằng ngày từ ký túc xá trên phố Mountain – Sydney (Australia), tôi khoác ba lô đi học hay lên thư viện. Mỗi buổi sáng, tôi đều gặp một anh công nhân vệ sinh thu dọn quanh khu nhà. Anh luôn tươi cười và kèm theo là lời chào rất thân thiện: “Hello, how are you?” (Chào bạn, bạn khỏe chứ?). Anh làm như vậy ngay khi gặp tôi. Về phần mình, tôi luôn lẳng lặng bước đi, khuôn mặt lạnh tanh và khó chịu. Trong đầu tôi lúc đó chỉ hiện lên một ý nghĩ duy nhất: “Thằng cha này thấy sang bắt quàng làm họ. Hắn thấy mình có chức vụ, có tiền bạc, có học thức nên muốn bắt quen đây. Hắn thì có khác gì mấy cô công nhân vệ sinh hay đi dọn rác trước cổng nhà mình ở Hà Nội”.

Ngày tiếp theo, anh công nhân vệ sinh vẫn cười tươi, vẫn chào tôi hết sức niềm nở. Tôi vẫn khó chịu và đút hai tay vào túi quần đi thẳng. Khuôn mặt vênh váo. Ngày thứ ba vẫn vậy, anh quét rác lại chào tôi rất vui vẻ, khuôn mặt thể hiện sự thân thiện với tôi. Tuy nhiên, lần này để cho xong chuyện, tôi đã trả lời anh ta một cách miễn cưỡng: “I am fine, thank you. And you?” (Tôi khỏe, cảm ơn anh. Thế còn anh?) Tôi nói xong và chợt nhận thấy rằng mình đã cười. Tôi đã cười mà không biết, điều này không như trong kế hoạch ban đầu của một người coi thường anh công nhân dọn vệ sinh. Thú vị hơn, tôi phát hiện ra khuôn mặt tươi tỉnh của chính mình, rằng hình như mình vui hơn, dễ chịu hơn, hạnh phúc và thư giãn hơn.

Vừa đi tôi vừa nghĩ về mình rồi lẩm bẩm: “Mình thật là ngu dốt”. Quả thật, từ trước đến nay, trong suốt bao nhiêu năm qua, tôi đã có một suy nghĩ không đúng, rằng khi cười với ai đó là tôi mang lại niềm vui cho họ. Khi bắt tay ai, tôi luôn nghĩ mình ban ơn cho họ. Khi gần gũi ai, tôi luôn nghĩ họ được lợi từ tôi. Và, tôi thấy mình thật sai lầm. Bởi, khi tôi cười với anh công nhân quét rác này, người được lợi đầu tiên không phải là anh ta mà là chính tôi.

Và tôi chợt nhận ra rằng anh ta đâu có biết tôi là ai. Anh không hề biết tôi có bao nhiêu tiền, làm chức vụ gì, có học thức đến đâu. Trong mắt anh ta, tôi từ ký túc xá bước ra tức tôi là sinh viên, là người đi học. Dù có học tiến sĩ, thạc sĩ hay đại học vẫn là sinh viên. Thậm chí anh cũng chẳng quan tâm tôi có là sinh viên hay không.

Trên thực tế, tôi chỉ là một người châu Á da vàng, mũi tẹt. Nhưng anh ta cũng chẳng để ý đến chuyện ấy. Anh chỉ cười và chào tôi như đã và đang làm việc đó với tất cả những ai từ ký túc xá bước ra. Tất cả mọi người là bình đẳng. Tất cả chúng ta là con người. Tôi đã nhận ra vấn đề và cảm thấy vô cùng xấu hổ. Tôi đã được học một bài học quý giá. Từ đó đi đâu, gặp ai tôi cũng chào và cười. Không chỉ cười mà là cười rất tươi. Cười từ trái tim mình, từ đáy lòng mình.

Một bữa nọ, khi từ thư viện về, tôi phát hiện ra Allen − người quét rác đang ngồi uống cà phê trong quán. Anh ăn mặc rất lịch sự, vừa nhấm nháp ly cà phê vừa đọc sách. Ngạc nhiên và tò mò, tôi lại gần chào anh, cùng uống cà phê, cùng nghe nhạc với anh. Tôi không ngờ rằng người mặc bộ quần áo bảo hộ, đi lau nhà, quét rác mỗi sáng bây giờ lại biến thành một người lịch lãm, trí tuệ thế này. Bài học nữa tôi đã học được: Mỗi lúc chúng ta đang đảm nhận vai diễn nào đó, đóng vai nào phải làm tốt vai đó. Hơn nữa, không nên coi thường người công nhân quét rác. Anh ấy khiến tôi rất kinh ngạc về kiến thức mà anh ấy có.

Allen đã kể cho tôi nghe vanh vách về Kim Tự Tháp ở Ai Cập, về những gì còn sót lại từ vườn treo Babillon ở Iraq, về vùng đất lạnh và băng giá Siberia của nước Nga. Anh nói về thời kỳ La Mã, về Nội chiến Mỹ, về cuộc sống của người Eskimo. Đặc biệt anh nói về Việt Nam khi biết tôi là người Việt (sau này anh kể rằng anh cứ ngỡ tôi là người Thái hay Indonesia).

Hóa ra Alen đam mê đi du lịch. Anh đi du lịch qua sách. Những hiểu biết của anh làm tôi kinh ngạc. Anh rất hiểu biết và có trí nhớ cùng sức tưởng tượng tuyệt vời. Allen hỏi tôi khu vực Hạ Long có bao nhiêu hòn đảo? Khi đó, vì không biết, tôi đã nói đại rằng quãng 1.000 đảo.

Allen đã giảng giải về các hòn đảo, về địa lý, khí hậu, thảm thực vật và thủy sản cũng như tính chất vùng biển của 1.960 hòn đảo (chứ không phải quãng 1.000 đảo như tôi nghĩ) trong vùng diện tích 1.553 km2 này. Nhờ Allen mà tôi, có lẽ, đến chết không quên được những con số này.

Allen đề nghị tôi phân tích về nhạc Việt Nam, nhất là điểm đặc biệt của loại nhạc năm nốt này. Tôi ngạc nhiên vì chưa bao giờ biết đến nhạc của đất nước mình lại chỉ có năm nốt. Tôi luôn nghĩ nhạc gì thì nhạc, đã là nhạc thì phải là bảy nốt chứ. Cuối cùng tôi đã phải há miệng ra nghe Allen nói về chèo, về cải lương, về chầu văn và về các loại nhạc cụ của Việt Nam − đất nước nơi tôi sinh ra và lớn lên. Allen đã dạy cho tôi bài học quý giá về tìm tòi khám phá, rằng tôi phải đọc nhiều hơn, tìm hiểu nhiều hơn, quan sát và ghi nhớ nhiều hơn.

Chính từ bài học quý giá này, ngay sau khi về Việt Nam, tôi đã quyết định thực hiện một chuyến xuyên Việt. Tôi quyết đi tham quan dọc đất nước mình không bỏ sót tỉnh nào. Tôi chợt nhận ra rằng mình đã bỏ qua rất nhiều điều quan trọng, rằng tôi đã đi đến tận 39 quốc gia nhưng lại hiểu rất ít về đất nước mình.

Ngày tôi đến thăm nhà của Allen, tôi lại học them được một bài học quý giá nữa. Allen có khoảng gần 1.000 cuốn sách. Là người học nhiều, đi nhiều, thường xuyên mua và đọc sách, nhưng tủ sách của tôi còn khá khiêm tốn. Trong khi Allen, một công nhân vệ sinh đã có một tủ sách quá vĩ đại. Anh đam mê sách và đã bỏ một khoản tiền lớn ra mua, trưng bày sách. Anh nói đã đọc hết những cuốn sách này. Thậm chí có những cuốn đọc đến vài lần.

Cũng nhờ những lần đến thăm anh, tôi đã được học cách nấu ăn. Làm sao nấu đơn giản, đủ chất, ngon miệng mà không quá cầu kỳ. Một tình bạn thân thiết đã nảy mầm giữa một doanh nhân với một anh quét rác. Chuyện này tôi không thể tưởng tượng được trước đó một vài năm.

Từ ngày gặp Allen, tôi bỏ hẳn các tính xấu của mình: kiêu ngạo, soi mói, coi thường người khác. Tôi cũng trở nên điềm đạm hơn, nói nhỏ hơn, ít nóng tính hơn. Tôi cũng không còn “bệnh” nhìn hình dáng bên ngoài mà kết luận con người nữa. Tôi luôn niềm nở và giúp đỡ mọi người.

Tôi quyết định chọn sứ mệnh “sẻ chia” từ ngày đó. Cũng nhờ Allen và những người thầy khác, sau này tôi đã hiểu và thực hành nguyên tắc “cho mà không đòi hỏi, cho mà không cần nhận”. Tôi cũng đã triển khai mỗi ngày, mỗi giờ cách sống “pay it forward” (đáp đền tiếp nối). Cũng từ ngày đó, cuộc đời của tôi hạnh phúc, bình an và chan chứa yêu thương hơn.

Gần chục năm đã trôi qua. Bây giờ nghĩ lại, nếu không gặp được Allen, chắc tôi vẫn đang quay cuồng trong vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút nghỉ ngơi, không dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc với những người xung quanh. Tôi thật biết ơn thầy tôi, bạn tôi − Allen.

(Vnexpress.net, 04/12/2009)

ta vui đời sẽ vui

Cuộc sống ngày càng trở nên bận rộn và hối hả. Chúng ta luôn chạy đua với thời gian, công việc, những suy nghĩ và cả những con đường mà đôi khi ta đánh mất đi chính mình, quên đi việc nuôi dưỡng trái tim và tinh thần. Tôi tin rằng đã có lúc bạn từng cảm thấy băn khoăn và tự hỏi niềm vui trong công việc và cuộc sống của mình là gì? Ý nghĩa thật sự của cuộc đời mình là gì đây?

Là một tập hợp những câu chuyện kể đầy lôi cuốn, thiện lành và truyền cảm hứng, với những cảm thức thâm trầm về hạnh phúc, với sự khám phá về bản ngã đích thực, “Ta vui đời sẽ vui” sẽ mang lại niềm phấn khích lớn lao cho bất cứ ai mong muốn sống cuộc sống ý nghĩa, đầy niềm vui trên hành trình tìm về với chính mình.

Mong rằng với “Ta vui đời sẽ vui”, mầm yêu thương, thiện lành và niềm hy vọng sẽ tràn ngập trong trái tim mỗi bạn đọc. Và hãy để nguồn năng lượng đó trở thành người bạn đồng hành của bạn trên hành trình tìm về với chính mình, để có được niềm vui, niềm hạnh phúc và bình an trong từng phút giây của cuộc đời.

Thầy thường kể:

“Các em à, câu chuyện thầy sắp kể cho các em nhe thầy đọc trên báo trên chuyến tàu từ Paris đi Bruxelles nhiều năm về trước. Chuyện cũng chẳng có gì đặc biệt lắm khi một người đàn ông kể rằng ông đã bỏ ra gần 20 năm trong cuộc đời mình chỉ để suy đi nghĩ lại hai việc xem có nên tiếp tục hút thuốc hay cố gắng từ bỏ thói quen này. Đấy là một cái vòng lẩn quẩn mà ông ta không tài nào thoát khỏi được…”

Trong mỗi câu chuyện Thầy kể, Thầy không cố đưa vào trong ta một triết lý hay một lối sống nào đó. Tất cả những gì Thầy làm là khích lệ ta tự khám phá ra những gì là thực, đúng và đẹp trong đời sống. Còn hình thức giáo dục nào tốt hơn không? Và nối kết với các trang sách này không bằng chữ in, bằng câu chuyện, nhưng bằng tinh thần, tình yêu, bầu khí qua hơn 20 năm Thầy không ngừng đi đây đi đó để giúp giải phóng những con tim, giúp cho thế hệ trẻ biết nhìn sâu, yêu thương và chuyển hoá thân tâm.

Nguyễn Cảnh Thi – Quản lý và Điều hành thị trường dự án Café De Nam, công ty cổ phần hàng tiêu dung Masan (Masan Consumer Corporation), tập đoàn Masan đã chia sẻ đầy cảm xúc về cuốn sách “Ta vui đời sẽ vui” của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng.

thiền trong từng phút giây

Tôi đã rất cẩn trọng và suy nghĩ rất kỹ khi đã trót nhận lời thầy Nguyễn Mạnh Hùng để viết lời tựa cho cuốn sách mà thầy xuất bản với tên gọi “Thiền trong từng phút giây” do tôi biết là câu chữ của mình rất khó có thể mô tả chính xác những gì thầy muốn truyền tải cho bạn đọc vì sự “chính xác” nhất là để nguyên toàn bộ 50 phần viết của thầy về 50 ngày Thiền “miên mật” này. Hơn nữa bản thân tôi cũng chỉ là một học trò đang sưu tầm Văn - Tư - Tu từ thầy và các bạn đồng môn khác.

Trước khi mạn phép đưa ra vài nhận xét về cuốn sách của thầy, tôi xin quý độc giả cho phép dùng từ “tôi” coi như một pháp chế định để gọi và dùng một số ngôn từ “đời thường” để cho độc giả dễ hình dung vì trong lúc này tôi cũng chỉ đang đọc, trạch pháp và tổng kết theo lộ trình tâm sinh diệt vô thường, vô ngã như vốn nó có như vậy và mọi ngôn từ cũng chỉ là pháp chế định tạm thời!

Cuốn sách gồm 50 phần tương ứng với 50 ngày tham gia khóa thiền “Bát Chánh Đạo” của thầy cùng một số bạn đồng môn. Đây là khóa thiền đặc biệt nhất mà tôi được biết và liên tục theo dõi vì ngày nào thầy cũng đưa 1 bài viết lên Facebook cá nhân chia sẻ về những gì thầy TRẢI NGHIỆM trong quá trình hành thiền. Sự đặc biệt nằm ở chỗ: Thứ nhất là rất hiếm có một khóa thiền nào diễn ra tận 50 ngày và thứ 2 là trải nghiệm của thầy không phải ngồi im để thiền 50 ngày này mà pháp hành “Thiền” của thầy diễn ra đan xen giữa những ngày thiền miên mật (từ 3h sáng tới 9h đêm với hơn 10 thời thiền, mỗi thời 1-2 tiếng liên tục không nghỉ) với những ngày thầy đi công tác nước ngoài hay ra chiến trường kinh doanh với những cảm thọ tuy “đời thường” nhưng lại là “khốc liệt nhất”.

Đối với tôi, việc thực hành chánh niệm liên tục trong các thời thiền miên mật đã không hề dễ dàng với đại đa số “dân thiền” chuyên nghiệp, kể cả nhà tu hành. Chánh niệm lại càng thêm khó khăn bội phần khi chúng ta tiếp xúc với các ngoại cảnh cuộc sống phát sinh các cảm thọ nổi trội rất dễ dẫn tới các thất niệm làm mất sạch công phu thiền bao lâu.

Sự thú vị của 50 ngày trải nghiệm “Thiền trong từng phút giây” chính xác nằm ở chỗ đó và đấy mới chính là thứ mà các thiền sinh cần nhất, một mối liên kết giữa Ẩn niệm (Chánh niệm khi thiền tọa miên mật ẩn cư) đến Hiện niệm (Chánh niệm trong cuộc sống hiện tại) cần được duy trì một cách xuyên suốt. Với 50 bài viết này, chúng ta sẽ cùng khám phá những kinh nghiệm giữ gìn chánh niệm liên tục của thầy qua các câu chuyện trải nghiệm thực tế với rất nhiều đổi cảnh tiêu biểu đã, đang và sẽ diễn tiến trong cuộc đời của bất cứ ai, nhất là những doanh nhân cư sĩ như thầy.

Tất nhiên, đến với cuốn sách, nhiều thiền sinh khao khát được đọc các mô tả về các giai đoạn chứng ngộ thiền từ bậc sơ khởi đến các trạng thái giác ngộ sâu xa. Các bạn sẽ không phải thất vọng vì ngay những phần đầu tiên thầy đã chia sẻ các kinh nghiệm này và xuyên suốt 50 phần của cuốn sách các trạng thái chứng ngộ cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Đây cũng là một tài liệu vô cùng quý giá mà theo đánh giá cá nhân của tôi thì từ trước tới nay chưa có một ai hay tài liệu nào ghi chép tỉ mỉ rõ ràng về kinh nghiệm hành thiền và các trải nghiệm rõ ràng mạch lạc từ thấp tới cao như cuốn sách này của thầy.

Sự thú vị tiếp nối khi chúng ta thấy các ghi chép của thầy không chỉ đề cập về các trạng thái chứng ngộ khác nhau về Văn tuệ, Tư tuệ và Tu tuệ khi thực hành chánh niệm mà thầy còn trích dẫn chính xác các đoạn Kinh điển của Nikaya (Đại Tạng Kinh Nguyên Thủy) một cách khéo léo và đúng lúc làm cho người hành thiền dễ dàng hiểu sâu hơn về Pháp học Văn tuệ và thậm chí rút ngắn đi khá nhiều con đường tu tập nếu tự mình đọc Kinh điển và tự thực hành.

Là một người có rất nhiều năm kinh nghiệm tu tập các tông phái thiền từ nhiều Thiền sư nổi tiếng, là một nhà khoa học, và cũng là người điều hành một doanh nghiệp nổi tiếng trong lĩnh vực lan toả tri thức thế giới đến với gần 100 triệu độc giả Việt Nam (Thái Hà Books), các bài viết của thầy Nguyễn Mạnh Hùng vừa toát ra hương vị thiền từ một lộ trình trải nghiệm thân chứng thực thụ, nhưng lại vô cùng logic khoa học và chính xác những gì thầy muốn dùng ngôn từ để truyền đạt. Cuốn sách “Thiền trong từng phút giây” sẽ vô cùng hữu ích cho những người tu thiền các trình độ khác nhau tra cứu các giai đoạn chứng ngộ của mình trong quá trình tu tập. Đây thực sự là một cuốn sách vô cùng quý báu cho chính tôi cũng như các đồng đạo làm cẩm nang gối đầu giường để dẫn chúng ta đi theo Thầy trên con đường Chánh niệm và tiến tới Đạo quả giải thoát cuối cùng như Đức Phật đã trải qua từ 2600 năm trước.

Tuấn Hà – Hà Bồ Đề - CEO Công ty Kết nối Truyền thông Việt Nam – Vinalink

Trích đoạn sách:

“Tôi muốn chia sẻ tiếp khi tôi đến cơ quan để làm việc. Đây là quãng thời gian rất dễ thất niệm nhất. Các tà niệm có thể xuất hiện nhiều nhất. Vậy nên tôi lưu ý mình “Tích cực chú tâm các cảm giác”. Nhất là các cảm giác trên thân.

Kinh nghiệm chỉ ra rằng không nên làm việc với tâm mong cầu. Làm việc chỉ là làm việc. Làm việc hết mình theo đúng tinh thần tôi hay chia sẻ với các học trò của mình “Làm hết mình, chơi nhiệt tình.” Không bắt mình, ép mình đạt kết quả cho bằng được, bằng mọi giá.

Và thế là tôi làm việc hoàn toàn thư giãn trong bình an. Tôi làm việc thật thản nhiên. Tôi không thích mà cũng không chán ghét.

Phải nói thật rằng đôi khi tâm tham khởi lên, thế là tôi nhắc tâm “Các Dục vui ít, khổ nhiều, não nhiều mà nguy hiểm càng nhiều hơn”. Cứ thế tôi nhận biết sự nguy hiểm, sự ràng buộc, và nếu không dừng lại là khổ xuất hiện ngay. Thế là buông... buông... buông.

Khi có thiền và thực hành thiền, có một điểm rất đặc biệt là tôi làm việc rất tập trung. Vậy nên kết quả thường là cao hơn rất nhiều so với lúc trước khi biết đến thiền. Theo kinh nghiệm của mình, tôi thấy hiệu quả làm việc tăng lên từ 30 đến 300%. Thật vi diệu nhé!

Vì chưa hoàn toàn Chánh niệm tỉnh giác 100% cả ngày nên đôi khi vẫn có suy nghĩ lung tung. Lúc đó tôi ghi nhận tâm. Chỉ ghi nhận thôi. Và thế là tâm phóng dật tự nhiên biến mất. Rất thú vị và vi diệu.

Khó nhất của thiền khi làm việc là lúc tôi giảng bài, thuyết trình hay nói chuyện. Công việc của tôi là giảng dạy, là kinh doanh, là diễn giả nên nói là dĩ nhiên. Tôi có một bảo bối là một quả thông nhỏ hơi gai gai, không nhớ là nhặt ở Đà Lạt hay Sa Pa nữa. Tôi luôn mang theo người. Khi giảng, nói chuyện, thuyết trình,... tôi nắm trong tay. Nắm hơi chặt. Thế là có cảm giác nổi trội. Thế là không quên thân. Thế là vẫn chánh niệm tỉnh giác khi giảng bài nhé.

Khi giảng bài và giao lưu, tôi luôn nhắc mình ghi nhận các loại cảm giác âm thanh nghe thấy và cảm giác hình ảnh những người đang đối diện với mình. Tôi lắng nghe và liên tục ghi nhận các cảm giác hình ảnh, âm thanh sinh lên rồi diệt đi. Cứ thế. Liên tục.

Có một trải nghiệm là khi gặp những người nói to, nói xấu, nói không có ái ngữ, nói thô tục,... là lúc tôi rất dễ bị lôi cuốn và dễ thất niệm nhất. Tôi nhắc tâm liên tục và nắm chặt tay. Tay nắm chặt hơn, mạnh hơn, cảm giác sẽ nổi trội hơn và sự ghi nhận các cảm giác hình ảnh, âm thanh sẽ dễ dàng hơn. Để không bị yêu thích hay chán ghét. Buông dễ. Xả dễ.

Đôi khi tôi dừng lại quán Tâm: Liệu mình có đang thích hay ghét không? Liệu có tâm tìm cầu, mong muốn không? Liệu có nguy hiểm không? Có xuất ly không?

Trong giao tiếp rất dễ có các phán xét và so sánh kiểu ta hơn, ta kém, ta bằng. Rất dễ có các nhận xét. Lúc đó tôi nhớ về Tứ Thánh Đế để nhận rõ nguyên nhân của khổ là do tâm thích, ghét và chấp thủ, và con đường hết khổ là thay đổi tâm thành không còn thích ghét, không còn chấp thủ, tất cả đều thuộc phạm trù tâm chứ không phải nơi thế giới ngoại cảnh. Thế là ngon lành.

Cả ngày làm việc có rất nhiều chuyện, giao tiếp nhiều, công việc nhiều, ý thức tà tri kiến nhiều. Bạn biết đấy, đối tượng được nghe, được thấy, được cảm nhận chỉ là CẢM THỌ thì nó lại cho rằng đó là thế giới gồm sắc trần, thanh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần (như tôi đã chia sẻ trước). Nó cho rằng thế giới đó là thế giới vật chất. Ý thức của ta rất có thể kết luận rằng đó là tướng trạng của thế giới. Thế đấy!

Tôi liên tục nhắc tâm rằng những đối tượng tôi nghe, thấy, cảm nhận “Chỉ là CẢM THỌ, là TÂM, chứ không phải CẢNH.” Tôi nhắc mình rằng nếu thực hành chánh niệm về thọ thì tâm biết ý thức chánh tri kiến khởi lên biết rõ “Đối tượng này là thọ. Nó do căn trần tiếp xúc mà phát sinh. Nó vô thường, vô chủ, có vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly.”

Một vấn đề nữa là các bạn đồng nghiệp của tôi luôn bàn và nhắc nhau giữ giới. Tất cả cùng rất quan tâm đến Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng. Khi ở cơ quan hay giao tiếp, nếu có ai đó khen ngợi, tâng bốc thì khả năng cao là ta thích thú. Khi có người ta chê bai, phê phán thì rất dễ ta bực tức, khó chịu. Như vậy là ta bị ràng buộc bởi Tham, Sân, Si

và tạo nghiệp. Vậy nên có khổ vui. Thế đấy.

Vậy nên tôi nhắc mình về Chánh tri kiến. Bởi nếu Chánh tri kiến xuất hiện thì Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng tự động xuất hiện. Dễ đúng không ạ. Dễ nhưng mà khó vì lúc đó rất có thể Chánh tri kiến không khởi lên do bị Vô minh che lấp.

Lúc đó, nhắc mình rằng nếu ai đó khen ngợi thì đó chỉ là cảm giác âm thanh cho nên tâm thích thú không thể khởi lên. Ngược lại, nếu có ai đó chê bai, phê phán thì đó cũng chỉ là cảm giác âm thanh và do vậy thì không thể có tâm chán ghét khởi lên. Thế là ta giải thoát. Thế là tâm ta an nhiên như nhiên.

Chúng ta nhắc nhau nhé. Rằng Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng là giải thoát. Nếu ta có Chánh kiến thì không phát sinh khổ vui nữa. Cứ vậy tôi làm việc cả ngày ngon lành. Ngon lành và an nhiên đến khi rời cơ quan chuẩn bị lên xe hoặc đi bộ ra bến tàu về nhà. Mà đi bộ từ cơ quan hay nơi giảng, giao lưu ra tàu là quãng đường để đi thiền hành. Thiền hành trong an lạc, thảnh thơi.

Có một ý rất quan trọng với tôi là cảm giác nội trội. Điều này rất quan trọng với tôi bởi tôi vẫn đang là một cư sỹ, đang còn đi làm và hàng ngày tiếp xúc, giảng bài, giao tiếp, viết lách, chia sẻ... nên hay gặp những cảm giác mạnh, thậm chí các cảm giác khốc liệt. Vậy nên lúc đó, tay tôi hay nắm quả thông nhỏ (như đã kể trên). Cách thứ 2 là nắm chặt bàn tay lại, cho ngón cái vào trong, nắm hơi chặt lại thậm chí cho hơi đau đau một chút để có cảm giác nổi trội. Vậy là không bị các cảm giác mạnh hoặc khốc liệt kia lôi kéo. Cách thứ 3 là siết chặt răng lưỡi. Tôi nhớ lại bài học mẹ tôi dạy hồi nhỏ. Vì nhà nghèo, khó khăn tứ bề, sức khỏe lại không tốt, nên dễ bị bắt nạt. Mẹ dặn tôi “Có chuyện gì xảy ra con cứ cắn chặt răng mà chịu.” Thì ra bảo bối là đây. Cắn chặt răng. Siết chặt răng. Bản chất là để có cảm giác nổi trội mà thôi.

Mấy ngày đầu tiên ở Nhật, ra bãi biển, tình cờ thế nào nhặt được một con cá mồi. Người ta làm con cá bằng silicon, đẹp, màu hồng, rất hấp dẫn, trông như thật. Họ mắc vào đó mấy cái lưỡi câu. Họ kéo con cá trên biển theo cước câu và cá to tưởng cá bé nên đuổi theo đớp. Thế là mắc câu. Con cá mồi tôi nhặt được còn mắc 1 lưỡi, 2 lưỡi bị mất. Tôi mang về

và cắt lưỡi câu đi. Bây giờ đây là bảo bối của tôi. Tôi cầm theo, đút vào túi, luôn nắm chặt để có cảm giác nổi trội khi giảng bài, diễn thuyết hay làm việc.

Tạm dừng tại đây, ngày mai rảnh tôi sẽ viết tiếp phần 4.”

ngày mới, tự làm mới

Ngày Mới, Tự Làm Mới

Những ngày cuối năm và nhất là khi cả dân tộc Việt Nam cùng chào đón năm mới âm lịch Kỷ Hợi 2019, rất nhiều Phật tử đã thỉnh và tặng nhau lịch thư pháp NĂM MỚI, TA CŨNG MỚI của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Một món quà đơn giản nhưng ý nghĩa vô cùng.

Tôi cũng đã cùng các bạn hữu ngồi lật từng trang lịch để nghiền ngẫm từng bức thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh qua bộ lịch. Nào là “Giờ phút này quý báu, lòng biết ơn tràn dâng”, rồi “Đây là giây phút hạnh phúc”, lại nữa “Ngồi cho yên để bắt đầu thấy rõ”, “Uống trà đi”, “Thả cho nó bay”. Thật là những công án thiền quá tuyệt đỉnh. Thật là liệu pháp ngôn ngữ tuyệt vời.

Tôi chợt giật mình: Mình đã thực tập nhận diện và chuyển hóa nỗi khổ niềm đau theo hướng dẫn của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã 13 năm nay. Tôi của ngày hôm nay là do kết quả 13 năm thực hành chánh niệm và thực tập chuyển hóa thân tâm. Miên mật và nghiêm túc.

“Ta cũng mới” là một sự thực tập. Tôi nguyện thực tập chánh niệm trong mỗi khi đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, uống, lau nhà, tưới cây, viết bài, đọc sách, tập yoga, khí công, lái xe, giảng bài,… Chỉ có như vậy mới mang lại sự bình an thật sự trong mình.

Chánh niệm và tỉnh giác là chìa khóa vạn năng đưa ta vào hỷ lạc và vững bước trên con đường đẹp phía trước, để tiếp xúc sâu sắc với những màu nhiệm của sự sống. Vậy nên nhất định phải làm mới mình bằng cách tinh tấn thực hành chánh niệm.

Nhân năm mới Kỷ Hợi, tôi ngồi xem lại các câu chuyện mà tôi đã kể cho các học trò của tôi trong Vườn Yêu Thương suốt 12 năm qua. Rất nhiều câu chuyện hay, có trí tuệ, tràn ngập triết lý, chan chứa yêu thương các học trò mọi thế hệ của tôi đã được nghe, thậm chí nghe nhiều lần. Nhiều em đã rất thích thú. Không ít em đã thay đổi nhận thức của mình về lý tưởng sống. Chỉ nhờ một câu chuyện trong số này mà nhiều em đã thoát được hoàn cảnh bi đát, tuyệt vọng của mình. Nhiều em lan truyền những câu chuyện và giúp thêm nhiều người khác. Thật là màu nhiệm.

Nhân duyên cho ra đời cuốn sách mà bạn đang cầm trên tay đấy ạ. Tôi xin phép bạn đọc dùng nguyên cách xưng hô của tôi với các học trò để giữ đúng tinh thần của các buổi sinh hoạt hoặc các lá thư tôi gửi đến các em. Là người đam mê trao truyền tri thức, nên tôi luôn tìm cách để khích lệ các em, sách tấn các em, đôi khi chỉ đơn giản là kể cho các em những câu chuyện tôi đã đọc được ở đâu đó.

Vốn tri thức của nhân loại thật vô tận. Những câu chuyện hàng ngày vẫn được kể khắp nơi. Nếu ta dùng các câu chuyện này, kể vào đúng hoàn cảnh thì rất có ích, thậm chí chuyển hóa được bao tâm hồn.

Ngày xuân đến, tôi mong mỗi câu chuyện trong cuốn sách này là một bông hoa tươi, một làn gió mát mang cái mới đến cho bạn. Mỗi câu chuyện ở đây là luồng không khí trong lành, là ánh sáng bình minh cho ngày mới, là cơn mưa giữa mùa hạn, là ánh trăng sáng mát hiến dâng tặng bạn. Mỗi câu chuyện là một bài học đã làm các học trò của tôi soi lại mình và chuyển hóa trong 12 năm qua.

Lần xuất bản trước cuốn sách có tên là Năm mới, ta cũng mới nhưng ở lần tái bản này, tôi quyết định đổi tên cuốn sách thành Ngày mới, tự làm mới với thông điệp cần làm mới mỗi ngày để cuộc đời luôn ý nghĩa. Tôi mong rằng, mỗi ngày bạn đọc một câu chuyện trong cuốn sách và suy ngẫm để học và thực hành cùng tôi.

Nếu như chúng ta không tự làm mới mình, không tự chuyển hóa chính mình, không có những hành động cụ thể, không thực tập chánh niệm và tỉnh giác, thì dù năm mới có đến, ta cũng đâu có gì mới.

Nào chúng ta cùng đồng hành làm mới chính mình nào. Together is better. Together we are one. Cùng nhau sẽ đi xa hơn. Cùng nhau chúng ta là một. Một bản thể bình an, hạnh phúc đầy hỷ lạc.

những câu nói hay về sách và văn hóa đọc (tái bản)

Những Câu Nói Hay Về Sách Và Văn Hóa Đọc

Thưa bạn đọc thân thương và yêu quý,

Ngày 22/06/2007 là ngày cấp giấy phép thành lập công ty Sách Thái Hà. Thái Hà có nghĩa là dòng sông lớn, dòng sông ánh sáng, dòng sông bình an. Dòng sông ánh sáng và bình an làm sao mà có được nếu không có sách và trí tuệ. Mười một năm qua, dòng sông này đã cho ra đời vài trăm đầu sách quý. Thật tuyệt vời!

23/04/2008, lần đầu tiên Việt Nam có Tết Sách. Tết Sách – Tôn Vinh Sách có từ ngày đó. 23/04/2018 vừa qua chúng ta đã tổ chức Tết Sách lần thứ 11. Từ ngày có Tết Sách, vai trò và giá trị của sách được nâng lên rõ rệt, để rồi chúng ta có Ngày Sách Việt Nam. Thật hạnh phúc!

Từ Tết Sách chúng ta đề xuất và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức bốn “Ngày hội đọc sách” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và sau đó Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tiếp tại nhà văn hóa Lao động và nhà văn hóa Thanh niên,… Rồi nhiều tỉnh thành, nhiều cơ quan, trường học tổ chức Ngày hội đọc sách. Còn gì vui hơn!

Trong nhiều năm qua, chúng ta tổ chức rất nhiều buổi nói chuyện về sách, văn hóa đọc, kỹ năng đọc sách siêu tốc. Có năm tổ chức đến trên dưới 50 chương trình, tức trung bình mỗi tuần một chương trình về sách và văn hóa đọc. Từ Bắc chí Nam. Tại biết bao địa điểm. Thu hút được hàng vạn doanh nhân, cán bộ, nhân viên, giáo viên, sinh viên và bạn đọc tham dự. Thật ngoài sức tưởng tượng!

Rồi có Đường Sách, Phố Sách  ở ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Các tỉnh thành như Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Phú Yên, Buôn Ma Thuột, Huế,… cũng rất mong muốn sớm có Phố Sách. Mong một ngày, tinh thần đọc sách, lan tỏa tri thức sẽ đến với thật nhiều tỉnh thành trong cả nước. Mong lắm! 

Tiếng vang về văn hóa đọc từ Việt Nam đã lan ra khắp ASEAN và thế giới. Chúng ta đã được mời làm diễn giả và khách mời của nhiều quốc gia ASEAN và châu Á. Rồi chúng ta có mặt giới thiệu về văn hóa đọc và ngành xuất bản Việt Nam tại các Hội Sách lớn như Bắc Kinh, Americans Expo, Frankfurt Book Fair. Chúng ta được mời diễn thuyết tại Hội nghị Giám đốc Bản quyền thế giới. Chúng ta được mời tham gia chương trình Invitation Program cùng đại diện 23 nước khác đến từ khắp thế giới. Chúng ta đón rất nhiều các đoàn lãnh đạo cũng như các nhà xuất bản lớn của rất nhiều nước vào thăm và làm việc. Thật là kỳ diệu!

Có sách và tri thức thì có văn minh và mọi lĩnh vực đều được phát triển. Có văn hóa đọc và giáo dục thì dân tộc tiến về phía trước rất nhanh. May thay, tất cả những điều này đang xảy ra ở đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng ta đang cùng nhau, chung tâm, chung sức xây dựng và phát triển văn hóa đọc.

Nhận thấy lợi ích to lớn và thiết thực, trong suốt 11 năm qua chúng tôi đã sưu tầm được rất nhiều các câu nói nổi tiếng, các thành ngữ và tục ngữ về sách và văn hóa đọc. Chúng tôi chắt lọc để cho ra ấn bản đầu tiên chào mừng Tết Sách lần thứ 10 – 23/04/2017. Tất nhiên chúng tôi biết đây không phải là bản đầy đủ tất cả những câu nói hay về sách và văn hóa đọc. Chúng tôi thật sự muốn sự đóng góp, tư vấn, chung tay, chung sức của tất cả các quý vị và bạn đọc.

Nếu quý vị thấy có bất cứ câu thành ngữ, tục ngữ hay câu nói hay của bất kỳ ai mà thấy xứng đáng và muốn đưa vào sách này, xin liên lạc với chúng tôi, về [email protected] và [email protected]. Chúng tôi nhất định sẽ xem xét để đưa vào lần tái bản năm 2019. Xin thành tâm và từ trái tim mình biết ơn quý vị và các bạn. Thật sự là vậy!

Quý vị cầm trên tay cuốn sách này tức là quý vị có quan tâm, hoặc thậm chí đam mê hoặc rất ủng hộ sách và văn hóa đọc. Trước đó, nhiều ý kiến đóng góp, nhiều thông tin bổ ích đã được chuyển đến chúng tôi. Điều này thật quý giá và là niềm cổ vũ, động viên rất lớn cho thầy trò chúng tôi. Nếu không có sự khích lệ này, sách khó có thể ra đời và tái bản. Xin tri ân tất cả và sẽ tiếp tục xin được tri ân.

Mong quý vị và các bạn vui Tết Sách. Cùng lan tỏa Tết Sách, cùng lan tỏa sách và văn hóa đọc nhé. Chúng ta cùng nhau làm. Bởi Together we are one – Cùng nhau chúng ta là một!

Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng

Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc

Công ty CP Sách Thái Hà

trồng hoa không cho mọc rễ (tái bản 2018)

Trồng Hoa Không Cho Mọc Rễ (Tái Bản 2018)

Bạn nghe tiêu đề và thấy vô lý quá đúng không. Tôi cũng thế, nếu tôi chỉ đọc tên bài viết này thì cũng giật mình vì cho rằng có vấn đề. Rồi thấy buồn cười.

Hằng ngày chúng ta suy nghĩ, nói năng, làm việc liên tục không ngừng nghỉ. Từ sáng sớm đến đêm khuya. Ngay cả khi ngủ chúng ta cũng không nghỉ.

Hằng ngày, khi chúng ta làm việc mà nếu tâm vẫn trong sạch, không mọc rễ, thì khi đó ta đã đưa tâm về nhà. Ta đã về. Ta đã tới.  (I have a rrived. I am home.) Nhưng nếu ta làm cái gì đó rồi tâm ta mọc rễ thì ta đã đưa tâm đi xa nhà. Ta đã đi xa nhà mất rồi, thật rồi. (I am far from my home.)

Bạn dành vài phút ngồi thư giãn và nghĩ đi. Không cần đọc tiếp nữa. Bạn thường làm việc, thường tạo tác và tâm bạn có mọc rễ không.

Không biết bạn thì sao, chứ tôi thì có. Và thường xuyên.

Tôi ngồi viết và mọc rễ ở đây. Tôi giảng bài và mọc rễ trên hội trường. Tôi họp giao ban và mọc rễ ở cơ quan. Tôi ngồi thiền trà với bạn tu và mọc rễ ở đó. Tôi trồng hoa ngoài vườn và mọc rễ luôn ở vườn. Bao nhiêu năm nay là vậy. Và tôi càng ngày càng đi xa "nhà", càng ngày càng si mê. Càng ngày tâm càng phiền não. Tu mãi chẳng thấy kết quả mấy.

Chợt một ngày tôi nhận ra: nếu mình làm mà tâm không mọc rễ thì mới đúng. Và khi đó dù làm gì, ở đâu cũng không có bị đau khổ, không có phiền não. Hay thật. Phải thực tập ngay. Phải nhắc mình trồng hoa mà không cho mọc rễ. Nhắc mỗi ngày, mỗi giờ, mỗi phút, mỗi giây.

Ngày xưa, tôi hay đi làm từ thiện. Rồi mọc rễ luôn. Rồi khoái đi làm từ thiện. Cái tôi càng ngày càng lớn. Có lúc còn cảm thấy mình nghiện đi từ thiện. Chợt giật mình: làm việc thiện mà mọc rễ thế này thì thành xấu mất rồi.

Ngày xưa tôi hay tự hào về tính thương người, hay giúp người. Nhưng mỗi lần giúp ai là lại mọc rễ ở đó. Khi giúp rồi sau này nhờ lại người đó có khi họ không giúp, thế là bực mình. Giúp mà họ không cám ơn, thế là khó chịu. Tôi đã từng rất phiền lòng khi tặng cho người bạn một món quà quý mà sau đó bạn lại mang cho người khác. Ôi, mới trồng được chút hoa, mới có vài cây hoa bé xíu mà đã mọc rễ thế này ư?.

  

Mục Lục

Lời nói đầu

Ăn chay niệm mặn

An lạc và thảnh thơi

Biết ơn từ tâm

Chánh niệm đâu có khó

Chọn cách lấp đầy các ngăn trống

Chuyện cây táo xưa và con người nay

Chuyện ở Châu Phi và chuyện ở ta

Cuối tuần dâng Kinh và được nghe Pháp Chru ban pháp nhũ về giữ giới

Đạo đức con người thời nay

Dọn  rác đường, sạch rác tâm

Giun bò ra phố

Hạnh phúc vốn có sẵn trong ta

Bạn tôi mang tên xương rồng

Làm mới để hoa nở đẹp và tươi

Mời like liệu có hay

Mốn ăn trưa nay của con là NGHỈ NGƠI

Nghĩ về Hallowen hay lễ hội trá hình

Nhà bạn có nuôi con khỉ, nhà bạn có bẫy dừa?

Nhặt rác để có yêu thương và trí tuệ

Những hạt giống nảy mầm

Sư cô Thiền Luận và những đứa trẻ như mơ

Ta có là ta – Ta mới đẹp

Thành công không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc

Thấy biết như thật

Thầy vẫn bên con

Thương - Hằng làm trăng luôn rằm

Tiền không mua được gì

Đón năm mới bằng nhiều cách

Uống bia và bia không cồn có hay

XIN LỖI

 Giới thiệu tác giả

Nguyễn Mạnh Hùng

Tác giả Nguyễn Mạnh Hùng

Pháp danh: Thiện Đức

Tổng giám đốc, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sách Thái Hà

Ông là tác giả của nhiều cuốn sách về quản trị kinh doanh và thực hành thiền trong đời thường như: Bài học từ người quét rác, Tâm từ tâm, Hạnh phúc thật giản đơn, Trồng hoa không cho mọc rễ.

Chủ biên của các cuốn sách: Tôi tự hào là người Việt Nam, Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể của người thân (cùng Vũ Trọng Đại) ...

Trích dẫn

Dọn rác đường, sạch rác tâm

Hạnh phúc không phải là thứ  có sẵn. Hạnh phúc đến từ hành động của chính ta. ( Đức Đạt Lai Lạt Ma)

Ngày chủ nhật vẫn hối hả, vẫn đan xen sọc ca-rô những dòng xe. Bỗng nhiên trên đường  phố Sài Gòn xuất hiện 24 thành viên trẻ trung vui nhộn mặc áo cam tươi tắn đầy sức sống. Họ đạp xe đạp. Họ mang theo bao tải đựng rác, găng tay và dụng cụ nhặt rác.  Vâng! đó chính là những thành viên CLB Sách Thái Hà. Những con người với nhiệt huyết của tuổi trẻ mong muốn xây dựng một cộng đồng ý thức "xanh" và sống "xanh".

 Cuộc hành trình đạp xe hơn 10 km từ Phú Nhuận qua Bình Thạnh, qua ngã tư Hàng xanh, qua cầu Sài Gòn sang quận 2, rẽ và Trần Não và đến đường Mai Chí Thọ. Quãng đường đạp xe chỉ vỏn vẹn 45 phút nhưng đã có biết bao kỷ niệm và biết bao giọt mồ hôi lăn trên những nụ cười của các bạn.

 Đạp xe ư? 10km ư? Thật là quá khó với cuộc sống hiện đại này, cuộc sống của sự chạy đua và hối hả mà dường như  mọi người quên đi cảm giác tận hưởng một buổi chiều hoàng hôn trên cầu Sài Gòn, một con đường Trần Não với những cánh đồng cỏ lau xanh mướt hay một tình bạn của sự giúp đỡ và chia sẻ. Tất cả những thành viên CLB Sách Thái Hà đã cảm nhận được hết những cảm giác ấy, thật tuyệt phải không các bạn?

 24 thành viên chúng tôi được 4 thành viên của gia đình chị Huyền, anh Đương và 2 cháu Quốc Viêt và Mỹ Hường cùng tham gia thành ra đoàn có đến 28 thành viên. Ngay việc đạp xe đạp đã góp phần làm giảm đi một lượng khói thải ra môi trường của 14 chiếc xe máy nhưng lại tăng thêm sức khỏe và sự dẻo dai cho bản thân. Một hoạt động đơn giản nhưng mỗi chúng tôi cảm thấy quá ý nghĩa và bổ ích. Nhiều người dõi theo làm chúng tôi mong rằng không chỉ các thành viên trong CLB Sách Thái Hà mà các bạn trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ ngày càng hưởng ứng việc đạp xe để góp phần lấy lại màu xanh cho đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Không chỉ dừng lại ở việc đạp xe, các bạn trong CLB yêu sách Thái Hà còn nhặt rác ở dọc đường Mai Chí Thọ hướng ra hầm Thủ Thiêm.Đây mới là đích cuối cùng của ngày chủ nhật xanh.

Thật khó mà tưởng tượng được lượng rác ở đây nhiều như thế nào. Nếu không tham gia nhặt rác khó ai biết được cơ man nào là rác hai bên đường. Những bịch ni- lông, hộp xốp, chén dĩa nhựa vỏ chai v...v.. cứ chất đống lên như muốn nuốt chửng con rạch. Một hình ảnh hết sức đau lòng và đáng báo động về ý thức bảo vệ môi trường của mọi người.

Với nỗ lực hết mình nhưng các bạn trong CLB chỉ có thể làm sạch được một đoạn đường ngắn chưa đầy 1 km, do sức người có hạn mà rác ở đó thì như " vô hạn". Lao động cực nhọc, các bạn dường như phần nào hiểu được sự vất vả của những cô chú công nhân vệ sinh đường phố cũng như ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường.

 Điều vui nhất trong buổi nhặt rác là những thành viên áo cam đã tạo ra một hiệu ứng tốt cho mọi người xung quanh. Một vài gia đình khi đi ra khu vực này thấy các bạn nhặt rác đã cùng vào góp sức. Cô chú rất nhiệt tình, vừa nhặt rác vừa giáo dục cho các con về việc bảo vệ môi trường. Quả thực đó là một món quà rất ý nghĩa cho CLB

Chúng tôi gọi ngày chủ nhật quý giá này là CHỦ NHẬT XANH VÀ NHỮNG NGƯỜI BẠN - một buổi dã ngoại không quá nhiều nhưng đã mang lại vô vàn tiếng cười, sự sẻ chia, và những bài học hết sức tuyệt vời cho các bạn trong CLB. Đây là một ngày chủ nhật không thể nào quên, một ngày chủ nhật sống thật ý nghĩa và tươi đẹp. Mong là sắp tới sẽ có nhiều hơn những hoạt động bổ ích này để lan tỏa vườn yêu thương đầy từ bi và trí tuệ đến cộng đồng.

 Thành công không có điểm bắt đầu và điểm kết thúc

Tình yêu lớn lên nhờ cho đi. Sự yêu thương chúng ta cho đi là sự yêu thương duy nhất chúng ta giữ được. ( Elbert Hubbard)

 Đã bao giờ bạn tự hỏi thành công là gì mà bao kẻ bỏ cả cuộc đời để theo đuổi? Phải chăng, đó là kết quả hoàn hảo trong công việc, sự chính xác đến từng chi tiết? Hay đó là cách nói khác của từ thành đạt, nghĩa là có được một cuộc sống giàu sang, được mọi người nể phục?

 

Thành công là khi ông giám đốc hết giờ làm việc về nhà là vào bếp nấu cơm cùng vợ. Có khi ông giám đốc đó phụ trách vài việc lặt vặt và việc rửa bát chén. Cơm có thể hơi sống hay hơi cháy. Canh có thể hơi mặn hay hơi chua. Rau có thể thiếu cay thiếu mắm. Nhưng ông giám đốc đã vươt qua chính mình, vượt lên trên cái tôi để vào bếp. Bát có thể chưa được rửa sạch hoàn toàn. Nước có thể còn vung vãi khắp nơi, rác còn để bày khắp nơi. Nhưng ông đã thành công. Bởi vì chắc chắn vợ con ông sẽ rất hạnh phúc. Ông đã tạo ra thành công cho chính mình.

Thành công là khi trên đường thấy một người ăn xin khốn khó. Bạn đã phóng xe qua rồi nhưng vẫn quay đầu xe lại để tặng cho con người thiếu may mắn này dù chỉ vài đồng bạc lẻ.

Thành công là khi bạn nhìn thấy chiếc xe máy cùng chiều quên không gạt chân chống lên và bạn tiến đến nhắc chủ nhân chỉnh lại. Nếu thiếu hành động tưởng chừng nhỏ bé đó, có thể người lái xe kia sẽ bị tai nạn ở đâu đó cách nơi bạn nhìn thấy không xa.

Thành công là khi bạn đang đi trong xe hơi, xe buýt khát nước, đói bụng uống xong lon nước, ăn xong cái bánh, không vứt rác ra đường. Bạn tưởng chuyện nhỏ và không đáng. Nhưng bao nhiêu người đã thất bại. Họ vẫn ném rác ra đường từ trên xe.

Thành công là khi mỗi buổi sáng, bạn chiến thắng được chính mình, chiến thắng được cơn buồn ngủ để dậy sớm, dậy đúng giờ. Việc dậy đúng giờ, theo đúng kế hoạch giúp bạn không vội vàng, hấp tấp, giúp bạn đủ thời gian làm được những gì mình muốn trước khi đi học, đi làm.

Rồi câu chuyện ông Thạch Thuôi đã 61 tuổi cùng vợ là bà Thạch Thị Hạnh cũng gần 60. Suốt 10 năm qua ông cặm cụi và miệt mài đạp xích lô để nuôi con ăn học. Thành công của ông đáng khâm phục. Thành công của các con ông liệu có phải từ nỗ lực tuyệt vời của ông?.

Tôi đã đọc một bài viết về một bà ở Duy Tiên, Hà Nam với thời gian biểu “một ngày như mọi ngày”: Sáng dậy sớm nấu cơm, nồi cơm dùng cho cả ngày. Sau khi ăn một bát cơm, bà bắt đầu cuộc hành trình qua khắp các phố để xin những đồng bạc lẻ của những người hảo tâm. Bà sống đạm bạc, đi xin để trang trải học hành cho cháu  Thu Thảo - hiện đang là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Mở Hà Nội. Thảo không phải là cháu chắt ruột rà của bà, mà chỉ là một bé gái được bà nhặt về khi mới được 15 tháng tuổi. Liệu có ai thành công hơn bà cụ này.

Chúng ta khao khát thành công nhưng chúng ta không biết gốc rễ của thành công. Muốn giàu có phải biết bố thí, cần biết giúp người nghèo khó. Chỉ có cho đi bạn mới có cơ hội làm giàu. Khi cho đi bạn sẽ được giàu có về vật chất. Không chỉ vậy tinh thần của bạn cũng giàu có vô cùng. Tết vừa rồi tôi và các em học trò đã gói bánh chưng, bánh tét và đi lang thang tìm kiếm những hoàn cảnh khó khăn của đêm sát giao thừa để tặng. Như thế chúng tôi giàu có vô cùng.

Cuộc sống là có thành có bại, có thắng có thua. Thành công không phải là một mục đích quá xa vời. Thành công cần tấm lòng và sự quyết tâm của bạn. Thành công cần nuôi dưỡng bằng tình yêu thương và sự tận tụy hết mình. Cứ hết mình đi, cứ cống hiến mà không đòi hỏi đi thành công sẽ tự đến.

Ngay bạn đang ngồi đọc những dòng chữ này cũng đã là một thành công. Thành công ở chỗ bạn đã đầu tư thời gian để học hỏi từ những người đi trước, từ những trải nghiệm mà có thể người khác phải tốn rất nhiều công để đi tìm.

 

nhà máy sản xuất niềm vui

Nhà Máy Sản Xuất Niềm Vui

Mỗi ngày ta thức dậy, ấy là ta có trọn vẹn một ngày mới. Nhưng không phải ai cũng nhận ra hạnh phúc diệu kỳ này, để rồi lãng phí một cơ hội tận hưởng niềm vui. Không phải ai cũng biết tận dụng tối đa từng giây từng phút của một ngày quý gia để tạo ra niềm vui cho chính mình.

Về bản chất, nếu biết cách, chúng ta có thể biến mình thành 1 nhà máy sản xuất niềm vui. Bởi khác với những nhà máy phải tốn vô số tiền cho mặt bằng, cho máy móc, cho vật liệu… nhà máy này rất giản đơn. TS Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu đến chúng ta một công nghệ nhà máy chứa các phương pháp sản xuất niềm vui mỗi ngày.

Bạn nhận chuyển giao công nghệ của “Nhà máy sản xuất niềm vui” này và trách nhiệm của bạn là phải mang 1 triệu niệm vui đến cho những người quanh bạn, nhất là gia đình và người thân, và đặc biệt là đến cho chính bạn.

Cuốn sách này là một nhà máy sản xuất niềm vui. Bạn chuyển cuốn sách này đến ai đó để họ đọc là bạn đã có công chuyển giao công nghệ của “nhà máy sản xuất niềm vui” rồi đấy.

Cuốn sách nhỏ dành cho niềm vui và hạnh phúc.

1

Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

icon shopee