Đà Lạt, Thành Phố Trong Album
Sau "Đà Lạt, một thời hương xa", "Đà Lạt, bên dưới sương mù" và "Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ", thì "Đà Lạt, thành phố trong album" là cuốn sách thứ tư; cũng là cuốn cuối cùng trong bộ tứ tác phẩm (tetralogy) khảo về Đà Lạt của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, được thực hiện trong 10 năm qua.
Bằng đường dây hình ảnh từ các album gia đình của người Đà Lạt và những kho ảnh của giới sưu tập, tác giả dẫn dắt người đọc đi vào không gian và thời gian của một đô thị thư nhàn, thanh tao và tự tại trong quá khứ. Bối cảnh những cuộc chuyển dịch lớn diễn ra qua phong cảnh, phong vị, tâm thế con người và tông màu thời cuộc được tác giả nắm bắt, thể hiện với một lối văn khảo và luận từ tốn, chăm chút và gợi mở.
Mỗi cuốn album mang trong mình vô số câu chuyện. Bởi trong mắt người viết khảo luận, chỉ một chi tiết trên từng bức ảnh bất kỳ đều có thể lưu trữ, tái hiện, gợi mở một lai lịch cảnh quan nơi chốn và con người trong dòng chảy thời gian mênh mông và phức tạp. Hình ảnh chứa đựng sử liệu – đó là một cách nói thấu đáo và chuẩn xác.
***
Khảo luận “Đà Lạt, thành phố trong album: Phong cảnh, phong vị, con người và thời cuộc” là một sự kết hợp của những ký ức và hình ảnh của Đà Lạt xưa. Tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyễn “khảo” những album xưa để “luận về phong cảnh, nếp sống, con người và thời cuộc. Sách được phân thành hai phần chính: Phong cảnh & Phong vị và Người & Thời. Cuốn sách không phải là tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh mà là hành trình tìm về văn hóa đô thị và di sản tinh thần của thành phố Đà Lạt.
Ở phần đầu, Nguyễn Vĩnh Nguyên đề cập đến vai trò của Hồ Xuân Hương và Đồi Cù trong ký ức cộng đồng Đà Lạt – những điểm giao thoa giữ sự hiện hữu và hoài niệm. Sự xuất hiện của các trường học Pháp và các món ăn Hoa đặc trưng giúp định hình một nền văn hóa Đà Lạt đa dạng. Tác giả cũng tìm về những dấu ấn của người Pháp và người Hoa trong cấu trúc văn hóa ẩm thực của thành phố. Xuất phát là nơi cung cấp những thực phẩm ôn đới để bù đắp những thiếu hụt về dinh dưỡng và tinh thần cho người Pháp tại thuộc địa (mà ban đầu phải nhập khẩu từ Pháp), món ăn Pháp đã đi từ nhà hàng vào bàn ăn gia đình. Một chuyện lạ lùng là trong cái lạnh của Đà Lạt, ăn kem đã trở thành một thú vui của người Đà Lạt và Đà Lạt có những tiệm kem nổi danh. Tác giả cũng tìm hiểu bộ sưu tập bưu ảnh Đà Lạt, đa số là những bức ảnh phong cảnh có đề từ và lời thơ rất lãng mạn, kèm những gửi gắm tâm tình của những người gửi vô danh, cũng lãng mạn không kém. Những ngôn chùa và thánh đường ở Đà Lạt cũng đi vào tâm thức của người Đà Lạt, cùng với sương mù và mưa tạo nên tâm hồn thi vị và sự tinh tế, nhỏ nhẹ. Một câu chuyện kỳ lạ và thú vị là nghiên cứu về người Nhật ở Đà Lạt trong khoảng thời gian từ 1940 đến 1945 qua tiểu thuyết/bộ phim “Trong áng phù vân”. Những thanh niên Nhật đã tắm trong không gian và tâm tưởng Đà Lạt đến nỗi họ đã gặp khủng hoảng, thậm chí tìm đến cái chết khi trở về cố quốc. Một mảng quan trọng trong sách mà tác giả Nguyễn Vinh Nguyên dành nhiều tâm sức để nghiên cứu là nhiếp ảnh, mỹ thuật, kiến trúc. Anh nói về nhiếp ảnh Đà Lạt với những nhiếp ảnh gia nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng quốc tế như Nguyễn Bá Mậu. Anh viết về nhà du hành - họa sĩ Pháp chuyên vẽ về Đà Lạt, André Maire. Anh nghiên cứu bộ sưu tập biệt thự và quy hoạch các khu cư xá gắn với cảnh quan ở Đà Lạt, những đập nước tạo nên hồ thủy điện và những khách sạn xưa như hôtel Du Parc…
Ở phần sau, Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về những nhân vật thú vị của Đà Lạt mà cuộc đời họ phản ánh không chỉ một số phận, một hoàn cảnh gia đình mà còn những biến cố lịch sử của đất nước như chuyện một ông trưởng Ty Văn hóa không màng chính trị mà mê văn hóa, văn nghệ; ông chủ tiệm sửa radio Hoàng Anh trên dốc Minh Mạng; ông chủ tiệm may veston Tailor Sơn; ông bà Nguyễn Tường Thiết (con nhà văn Nhất Linh) – Nguyễn Thái Vân trở về thăm lại Đà Lạt, nơi đã sống một thời tuổi trẻ; Giáo sư Nguyễn Khắc Dương (em Giáo sư Nguyễn Khắc Viện). Nguyễn Vĩnh Nguyên còn khảo về những trào lưu, những hiện tượng đã góp phần tạo nên tâm hồn người Đà Lạt như dòng nhạc Pháp thập niên 1960-1970 và những nhạc sĩ Việt Nam Tây học đến với Đà Lạt theo đường dẫn của những bản tình ca Pháp. Văn hóa Pháp có ảnh hưởng sâu đậm ở Đà Lạt đến nỗi những bộ phim Mỹ khi được trình chiếu ở Đà Lạt đều thông qua bản tiếng Pháp với những tờ quảng cáo phim “gốc” bằng tiếng Pháp và theo phong cách Pháp. Một mảng của Người & Thời Đà Lạt cũng rất được Nguyễn Vĩnh Nguyên chú ý là các ngành thủ công. Cái lạnh của Đà Lạt tạo nên một “ngành công nghiệp” đan len phát triển rực rỡ, với nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp tham gia đáp ứng nhu cầu của người Đà Lạt, theo kịp xu hướng thời trang thế giới và gu ăn mặc tinh tế của người Đà Lạt. Áo dài đã trở thành “mỹ học của khói sương”, khi đa số phụ nữ đều mặc áo dài khi ra đường, từ những bà bán hàng ở chợ đến các nữ sinh. Áo dài khoác áo len đã trở thành cách ăn mặc đặc trưng của nữ sinh Đà Lạt. Những nhà may ở Đà Lạt chuyên veston đem lại sự lịch lãm cho đàn ông Đà Lạt, đến nỗi một nữ danh ca đã nói về gu ăn mặc của các chàng trai: các chàng rất suit. Suit từ ăn vận đến phong thái! Tác giả cũng dành công sức nghiên cứu về các tu viện Công giáo ở Đà Lạt mà tiêu biểu là Học viện Dòng Chúa Cứu thế.
Phần cuối là một phụ lục với 67 bức ảnh đẹp và hiếm về Đà Lạt trích từ các album gia đình và kho ảnh của giới sưu tập.
Cân Bằng Trong Khủng Hoảng
Cân bằng trong khủng hoảng là cuốn sách được hình thành nên từ những đối thoại của hai tác giả Nguyễn Tường Bách và Nguyễn Vĩnh Nguyên.
Chuyện đời thế gian được hai tác giả đặt lên bàn thảo luận với đầu mục: Sức khỏe, Môi trường, Tôn giáo, Giáo dục, Truyền thông, Bạo lực, Trắc ẩn, Giàu-nghèo. Với họ, đây là những vấn đề gốc rễ, thúc đẩy sinh ra một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong cuộc sống hôm nay. Không phải là chuyên gia xã hội học, tâm lý học, triết gia thức thời hay nhà nghiên cứu khoa học liên ngành, họ bàn theo cách thấy, nhãn quan riêng của họ – những người nhìn đời bằng con mắt của chính cuộc đời. Vì thế, độc giả đừng chờ đợi ở đây hiệu quả của một cuốn sách cẩm nang mang lại giải pháp, đường lối, chủ trương... Cuốn sách càng không có tham vọng hướng đến sự xác quyết hay tất định, giáo hóa hay phán xét...
__________________________
THÔNG TIN TÁC GIẢ
NGUYỄN TƯỜNG BÁCH - Nhà văn, Tiến sĩ kỹ thuật; Tác giả và dịch giả của nhiều cuốn sách du ký, tiểu luận...
Hiện tác giả đang sống trong vùng phụ cận Frankfurt (Đức).
NGUYỄN VĨNH NGUYÊN - Tác giả của nhiều cuốn truyện ngắn, tiểu thuyết, biên khảo, tiểu luận,...
Hiện đang sống bằng nghề viết tại Sài Gòn.
Sống Để Phiêu Lưu - Những Cuộc Thám Hiểm Của Ông Năm Yersin
Tình bạn giữa những đứa trẻ xóm Cồn với vị bác sĩ, nhà thám hiểm tài ba được dệt lại thật dung dị và ấm áp nơi xóm chài nhỏ của vùng duyên hải Nha Trang. Câu chuyện mở ra một thế giới tươi mới mẻ, sinh động của các cuộc xê dịch và khám phá trong khoa học lẫn địa lý; soi tỏ dấu chân đầy khát vọng, dấn thân của con người cao cả, xem cuộc đời là những cuộc du hành và phiêu lưu bất tận.
Tiếp nối những trang văn viết về thành phố Đà Lạt từng được độc giả biết đến, tác giả cuốn sách này chọn cách vẽ chân dung nhà bác học - nhà thám hiểm Alexandre Yersin vừa mang tầm vóc vĩ nhân nhưng cũng thật gần gũi và truyền cảm hứng.
Với Đà Lạt Ai Cũng Là Lữ Khách
Tập tản văn gồm 23 tản văn là những hoài niệm và cảm nhận về Đà Lạt. Đà Lạt là sương mù, là rong rêu, là những phận người lặng lẽ nhưng không kém phần mãnh liệt. Đà Lạt đã ăn sâu vào tâm hồn tác giả như một ám ảnh không thể trục xuất ra khỏi đầu và ra khỏi trái tim.
Một văn bản không định hình bởi những chuyện và truyện, bất phân sử liệu và hư cấu, huyền thoại và sự thật; ngôn ngữ tự do giao thoa, xóa mờ ranh giới thể loại để hướng tới truyền đạt một “hình thể” đô thị phía sau cái thấy của mắt thường: một lịch sử của những lục địa văn hóa xao động, chìm và nổi, ẩn và hiện, minh định và bất tường, giả lập và chân xác. Cuối cùng, như mọi thứ trên đời: có và không.
Đà Lạt chính là Đà Lạt. Nhưng Đà Lạt cũng không là Đà Lạt.
------
“Một con người hay một thành phố là một ai đó mà ta đã biết và chưa biết. Đã và chưa. Dù ta yêu hay không yêu. Vì cái bao la nằm trong những điều tưởng như rất nhỏ nhoi. Đúng hơn, nhỏ nhoi mới là bao la.
Trong tác phẩm tương đối ngắn này là một cuộc sống bao la. Nguyễn Vĩnh Nguyên xuất hiện lần này với một trò chơi mới ngoạn mục vượt tầm đón đợi của nhiều người.”
-- Nhà văn Nhật Chiêu
“Giống như phong cảnh Đà Lạt ẩn hiện sau những dải sương mờ, Nguyễn Vĩnh Nguyên kiến tạo văn bản của mình từ khoảng mờ giữa những trích đoạn trong văn khố, những cảnh quan đã trở thành “dấu hiệu nhận diện của Đà Lạt”, những ảnh chụp được trục vớt lên từ đáy hồ của quá khứ với những câu chuyện, có khi không phân biệt được là hư cấu hay phi hư cấu, và thường khi là những huyễn tưởng.
Những ý tưởng về một thực hành phá vỡ những ranh giới thể loại đã xuất hiện trong Ký ức của ký ức nhưng lần này Nguyễn Vĩnh Nguyên quyết liệt hơn trong sự sáng tạo của mình, tạo nên một thứ tuyệt-đối-khác, một cái gì không nằm trong những ranh giới truyền thống.”
-- Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Thạch
------
NGUYỄN VINH NGUYÊN
Tác giả của bộ sách viết về Đà Lạt:
• Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách (Tản văn)
• Đà Lạt, một thời hương xa (Du khảo)
• Đà Lạt, bên dưới sương mù (Biên khảo)
• Đà Lạt, những cuộc gặp gỡ (Biên khảo)
• Ký ức của ký ức (Tiểu thuyết)
Đà Lạt được kiến tạo từ những cuộc du hành văn hóa trong quá khứ. Đà Lạt từng là không gian văn hóa đô thị có sức hấp dẫn riêng, nơi gặp gỡ của những khát vọng tri thức lớn, điểm đến của những hành trình sáng tạo đầy lý tưởng.
Tất cả đặc biệt cô đọng trong giai đoạn hai mươi năm mà tác giả cuốn sách này chọn khảo sát -một quá khứ gần- nhưng dường như đang đứng trước nguy cơ bị phủ lấp, xóa nhòa bởi bụi thời gian…
Nhân vật, sự kiện, hiện tượng văn hóa được phục dựng lại bằng ghi chép điền dã khảo cứu, kết nối tư liệu và những kiến giải riêng. Quá khứ được đồng hiện trên nền văn phong vừa bay bổng vừa giàu chiêm nghiệm, định hình một lối văn với Đà Lạt, của riêng Đà Lạt.
Với cuốn du khảo này, Nguyễn Vĩnh Nguyên không còn là người lữ khách của vùng trời sương khói riêng tư nữa, mà là một nhà du hành, tri hành đường dài, dấn bước trong đơn độc về miền quá khứ với khát khao được chìm đắm vào tâm hồn của đô thị thời hoàng kim.
Món quà dành cho những người yêu và thực lòng muốn hiểu giá trị Đà Lạt!
Đà Lạt, Những Cuộc Gặp Gỡ
Đây là cuốn sách thứ năm, là công trình khảo cứu độc lập thứ ba của Nguyễn Vĩnh Nguyên viết về Đà Lạt. Cuốn sách này kể về những cuộc gặp gỡ đặc biệt trong lịch sử của thành phố. Những cuộc gặp gỡ là cơ duyên làm nên Đà Lạt yêu dấu của bao người, làm nên một phần văn hóa, cốt cách, căn tính của một đô thị đúng nghĩa.
Cuộc gặp của hai người Pháp có công khai sinh thành phố, của những nông dân Pháp -Việt đầu tiên làm nên những nhà vườn, nông trại truyền thống; cuộc gặp những tao nhân mặc khách, những chính khách, quý tộc thượng lưu, những bác sĩ quốc tế, những nhà môi trường học, dân tộc học… Những câu chuyện này mang tới một hình ảnh khác, một hình dung mới, “những gì kiến tạo nên đời sống tinh thần hay giá trị sang cả” của thành phố cao nguyên mộng mơ.
Luôn luôn làm việc rất công phu, nghiêm túc, dựa trên các sử liệu được đưa ra khách quan từ Trung tâm lưu trữ Quốc gia 2 tại TP Hồ Chí Minh và 4- tại Đà Lạt, bên cạnh tư liệu từ những cuốn sách và văn bản đã công bố, cùng những nghiên cứu cá nhân không bị những định kiến “hôm qua - hôm nay” chi phối, Nguyễn Vĩnh Nguyên thực sự thành công trong bộ 3 biên khảo có giá trị.
“Nhưng để sống với một thành phố, không chỉ cần tình yêu mà còn cần trách nhiệm, sự gắn bó mang tính lý tính. Cuốn biên khảo là sự gắn bó lý tính hơn là tình yêu. Công việc lần về quá khứ, suốt ngày rị mọ với chồng hồ sơ … bắt nguồn từ chính sự thắc mắc, muốn hiểu, muốn đi sâu vào đời sống, tâm thức của một thành phố, đã đưa tôi vào một hành trình đầy những câu hỏi cũng cần một phương pháp lý tính để trả lời.
…còn rất nhiều điều cuốn hút, làm cho mình cảm thấy còn bị hấp dẫn, hút vào và đào sâu tìm hiểu. Đà Lạt mang một vẻ đẹp treo lơ lửng trước mắt chúng ta mà không bao giờ mình định nghĩa nổi.”- Nguyễn Vĩnh Nguyên
Bằng một lối viết pha trộn biên khảo, hồi ức và các bản điều tra, một tiểu thuyết thấm đẫm hoài niệm về thành phố Đà Lạt đã được viết xuống.
Những ngõ hẻm quanh co, những khoảng đồi mù sương, những khúc quanh của biến thiên mất mát, những nhân dạng thoát ẩn thoắt hiện và cả những cuộc tình chóng vánh, vùi trong sương khói tịch mịch... đưa người đọc đi vào một Đà Lạt của hoang phế, u hoài. Thành phố của những cuộc đến và đi, kiếm tìm và trốn chạy.
Ký ức của ký ức là một tiểu thuyết tối giản, với sức hàm chứa sâu rộng, phong cách lịch duyệt và hướng nội. Được sinh ra để dành riêng cho Đà Lạt và người yêu Đà Lạt.
Đà Lạt Bên Dưới Sương Mù
Một Đà Lạt thời vàng son trong đời sống văn hóa đã từng được Nguyễn Vĩnh Nguyên tái hiện qua cuốn du khảo Đà Lạt, một thời hương xa.
Lần này, là một cách tiếp cận khác, hành trình khác. Phần chìm, phần bị phủ đậy cùng những bí mật sâu kín trong một giai đoạn lịch sử Đà Lạt (1950 – 1975) được tác giả cho đồng hiện bằng một lối viết biên khảo chỉn chu và cuốn hút.
Hai năm trôi qua, người viết cuốn sách này đã lật dở hàng ngàn trang văn bản cùng hàng trăm tài liệu qua nhiều thời kỳ lịch sử Đà Lạt để chỉ làm một cuộc ghi nhận cô đọng, giúp người đọc hình dung về những gì chìm dưới sương mù.
Có những văn bản bị cháy sém một góc.
Có những bó hồ sơ ẩm mốc, những chiếc đinh ghim vụn nát khi có tay người chạm vào.
Có những trang văn bản vương vết máu.
Và có những sự việc treo lơ lửng không rõ đầu đuôi.
Quá nhiều những thăng trầm đi qua trên những trang sử liệu và đời sống một thành phố…
Thành phố của những uẩn khúc, ẩn mật dần được soi rọi trên những trang viết công phu.
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI