Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc được ra mắt lần đầu năm 1987, bàn về tình hình sức mạnh quốc gia và quốc tế trong thời kỳ “hiện đại”, hay hậu Phục hưng; giải thích quá trình trỗi dậy và suy tàn của các Cường quốc khác nhau trong suốt năm thế kỷ kể từ khi hình thành “nền quân chủ mới” ở Tây Âu; đưa ra dự báo về vị thế của một số quốc gia vào thời điểm cuối thế kỷ 20 (mà thực tiễn cho đến nay đã xác nhận tính đúng đắn hoặc thiếu chính xác của chúng).
Luận điểm bao trùm trong tác phẩm bao gồm hai ý: một là, sức mạnh của một Cường quốc chỉ có thể được đong đếm trong tương quan với các nước khác; hai là, uy thế về lâu về dài hoặc trong một xung đột cụ thể của một Cường quốc có mối tương liên chặt chẽ với các nguồn lực sẵn có và tính bền vững của nền kinh tế quốc gia. Ý thứ hai nói theo cách khác là nếu một nước nuôi dưỡng tham vọng và/hoặc có yêu cầu về an ninh ở mức cao hơn nền tảng tài nguyên của mình, thì nước đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị quá sức về quân sự và bị suy thoái tương đối đồng thời.
ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA
“Cuốn sách phân tích một cách sáng rõ tình thế lưỡng nan thế giới gặp phải do sự suy tàn tương đối của nước Mỹ cùng những cam kết quân sự tiếp diễn trên toàn cầu. […] Tác giả… có khả năng diễn giải cả những vấn đề hiện thời lẫn những xu thế tương lai theo một góc nhìn mang tính lịch sử. Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc là một kiệt tác lịch sử hiện đại, một minh chứng nổi bật cho sự thật thường bị bỏ quên rằng cách duy nhất để hiểu ngày hôm nay chính là phải hiểu ngày hôm qua.” - Christopher Andrew, Daily Telegraph
“Khi những vấn đề đương đại trở nên nhức nhối, khiến một học giả cẩn trọng và uyên bác như Paul Kennedy cảm thấy cần xem xét lại những bước phát triển lớn trong quá khứ, kết quả thu được quả là hữu ích cho hiểu biết của chúng ta về lịch sử… Một tác phẩm học thuật với lối viết giản dị mà hấp dẫn như Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc chắc hẳn sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, có lợi cho xã hội.” - Michael Howard, The New York Times Book Review
“Kennedy cung cấp cho bạn đọc những lập luận vô cùng giàu tính lịch sử, được minh họa bằng các cuộc tranh giành ngôi vị bá chủ châu Âu của gia tộc Habsburg, người Pháp hay người Đức, cũng như quá trình trỗi dậy và suy tàn của Đế quốc Anh. Tôi băn khoăn liệu đã bao giờ sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc được tường thuật một cách chuyên nghiệp thế này hay chưa, với những nguồn tin đáng tin cậy, hay với sự chú tâm đến mối liên kết giữa kinh tế, địa lý và chính trị.” - Robert Skidelsky, Independent
“Quan trọng, uyên bác và sáng suốt… Paul Kennedy đã thành công trong việc làm cho người đọc hiểu được những vấn đề quốc tế hiện nay trong bối cảnh các đế chế bị hủy diệt do không gánh nổi tổn phí vật chất, cái giá của sự vĩ đại. Tác giả của Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc đã khéo léo áp dụng góc nhìn lịch sử phổ quát mà Ranke [cha đẻ của bộ môn nghiên cứu lịch sử dựa trên nguồn thông tin] chắc chắn sẽ tán thành.” - James Joll, The New York Review of Books
“Giáo sư Kennedy đã chọn phương pháp tiếp cận chiến lược-kinh tế để xây dựng bối cảnh cho một câu chuyện hấp dẫn… Ông không chỉ khai thác cốt truyện một cách trôi chảy mà còn dựa vào đó để đào sâu hơn nữa, khám phá nhiều hơn nữa những hoàn cảnh lịch sử khi các “trung tâm quyền lực” thịnh vượng… Mục đích cao xa nhất của tác phẩm này chính là rút ra bài học từ 15 thế kỷ xây dựng và quản lý nhà nước nhằm áp dụng vào tình cảnh hiện thời. Những ai quan tâm đến nền chính trị đương đại có thể tham khảo chương cuối của cuốn sách này.” - Christopher Lehmann-Haupt, The New York Times
“Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc quả là một công trình lịch sử có tầm vóc, không hề nông cạn hay là một trận bút chiến… mà rất dồi dào thông tin. Một vài dự đoán được đưa ra với sự khiêm tốn chừng mực. Cuốn sách có khả năng đóng góp hiệu quả cho cả cuộc tranh luận công khai lẫn tư duy cá nhân về tình thế lưỡng nan mà nước Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt, và nhờ thế nó được chú ý đặc biệt. […] Tác phẩm của Kennedy còn quan trọng vì mối quan hệ của nó với những chuẩn mực phổ biến về kiến thức lịch sử và vì cách mà nó vừa phản ánh vừa thách thức chính những chuẩn mực này. […] Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc không bao giờ là một tác phẩm để giải trí phổ thông, dù nó phổ biến một cách ngạc nhiên; nó không hề dễ đọc; nó đơn thuần là vô giá.” - Alan Brinkley, TLS
“Sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc đang trở thành cuốn sách gối đầu giường trên khắp nước Mỹ bởi nó vừa uyên bác vừa có ý giải đáp câu hỏi ngày càng phổ biến rằng liệu nước Mỹ đã đặt chân lên hành trình đi về phía hoàng hôn của quyền lực đế quốc hay chưa?” - Christopher Hitchens, Guardian
“Cuốn sách là màn mở đầu hùng hồn trong cuộc tranh luận về tầm mức sử dụng của cải quốc gia cho các mục đích quân sự.” - Publishers Weekly
“Kenndy đã làm rõ ý nghĩa sử thi của sự suy thoái về kinh tế và công nghiệp của mỗi quốc gia.” - Newsweek
“Tác phẩm cuốn hút và nhiều tham vọng một cách ngạc nhiên này của Kennedy đã làm rõ hiện tại và khai mở quá khứ.” - Zara Steiner, Financial Times
“Nghiên cứu vĩ đại này của Paul Kennedy sẽ trở thành một nguồn tham khảo thông tin tiêu chuẩn từ nay đến rất lâu nữa về sau.” - Philip Towle, London Review of Books
TRÍCH ĐOẠN HAY
Bằng cách tịch thu tài sản của hoàng gia và giai cấp phong kiến ở các nước bại trận; với những chiến lợi phẩm thu trực tiếp từ quân đội, lực lượng đồn trú, bảo tàng và kho bạc của kẻ thù; bằng cách áp đặt các khoản bồi thường chiến tranh bằng tiền hoặc hiện vật; và bằng cách chia nhỏ các trung đoàn của Pháp cho các nước phụ thuộc và yêu cầu họ phải cung cấp cho các đơn vị này, Napoleon không chỉ trang trải được các khoản chi tiêu quân sự khổng lồ của mình mà còn tạo ra lợi nhuận đáng kể cho Pháp, và cho chính ông. Tổng số tài sản mà các nhà cai trị chiếm dụng được tại lãnh thổ đô hộ bất thường này trong thời kỳ cực thịnh của nước Pháp là rất lớn và phần nào báo trước việc Đức Quốc xã sẽ cướp bóc những quốc gia phụ thuộc và những kẻ thù bị chinh phục trong Thế chiến II.
Trong tất cả các nền văn minh thời tiền hiện đại, không có nền văn minh nào có vẻ tiên tiến hơn hay cảm thấy mình vượt trội hơn nền văn minh Trung Hoa. […] Năm 1736, khi các công trình luyện sắt của Abraham Darby tại Coalbrookdale bắt đầu bùng nổ, các lò cao và lò luyện than cốc ở Hồ Nam và Hồ Bắc đã hoàn toàn hoang phế.
Từ đầu thế kỷ 19 trở đi, số liệu thống kê lịch sử (đặc biệt là các chỉ số kinh tế) giúp theo dõi sự thay đổi trong cán cân quyền lực và đo lường chính xác hơn các động lực của hệ thống. Tuy vậy, cần nhận thức rõ rằng có nhiều dữ liệu chỉ gần đúng, đặc biệt đối với các quốc gia thiếu bộ máy hành chính đầy đủ; rằng một số tính toán nhất định (như tỉ trọng sản lượng sản xuất thế giới) chỉ là ước tính của các nhà thống kê nhiều năm sau đó; và rằng quan trọng nhất là sự giàu có về kinh tế không phải ngay lập tức hay luôn luôn chuyển thành sức mạnh quân sự. Tất cả những gì mà số liệu thống kê có thể làm là đưa ra những dấu hiệu sơ bộ về tiềm năng vật chất của một quốc gia và vị trí của họ trong bảng xếp hạng tương đối các quốc gia dẫn đầu.
Nhưng chính chiến tranh và hậu quả của chiến tranh đã tạo ra một áp lực liên tục và cấp bách hơn hẳn trong việc “xây dựng quốc gia” so với những nghiên cứu triết học và các khuynh hướng xã hội đang dần phát triển. Sức mạnh quân sự cho phép nhiều triều đại ở châu Âu thống trị giới quyền quý trên đất đai của họ, đồng thời đảm bảo sự thống nhất về chính trị và chủ quyền (dù thường phải nhượng bộ giới quý tộc). Các yếu tố quân sự, hay tốt hơn là địa chính trị, giúp định hình ranh giới lãnh thổ của các quốc gia dân tộc mới này, trong khi các cuộc chiến liên miên lại giúp hình thành ý thức dân tộc, ít nhất là theo một cách tiêu cực, như khiến người Anh trở nên thù ghét người Tây Ban Nha, người Thụy Điển ghét người Đan Mạch, những người nổi loạn ở Hà Lan ghét các lãnh chúa nhà Habsburg trước đây của họ. Nhưng trên hết, chính chiến tranh, và đặc biệt là các kỹ thuật mới đã tạo điều kiện phát triển cho các đội quân trên bộ, các pháo đài cùng những hạm đội tốn kém [trên biển] đã thúc đẩy các nước tham chiến chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết và phải tìm kiếm một khoản thu nhập tương ứng. Mọi nhận xét về sự gia tăng nói chung trong chi tiêu của chính phủ, hay về các tổ chức thu thập thuế khóa mới, hay về mối liên hệ giữa nhà vua và điền sản ở châu Âu Sơ kỳ Hiện đại đang dần thay đổi, vẫn mang tính trừu tượng cho đến khi tầm quan trọng chủ chốt của xung đột quân sự được nhắc lại. Trong vài năm cuối ở Anh thời Elizabeth hay ở Tây Ban Nha thời Philip II, có đến 75% tổng chi tiêu của mọi chính phủ là dành cho chiến tranh hoặc trả nợ cho các cuộc chiến trước đó. Những nỗ lực quân sự và hải quân tuy không phải lúc nào cũng là raison d’être – lý do tồn tại của các quốc gia dân tộc mới, nhưng chắc chắn đó chính là hoạt động cấp bách và tốn kém nhất của họ.
[…] ghi chép lịch sử cho thấy có một sự kết nối rõ ràng về lâu về dài giữa sự trỗi dậy và suy tàn về mặt kinh tế của một Cường quốc riêng lẻ và sự phát triển và suy thoái của nó trong vai trò cường quốc quân sự (hay đế chế tầm mức thế giới) trọng yếu. Điều này cũng không có gì phải ngạc nhiên, bởi nó bắt nguồn từ hai thực tế liên quan. Thứ nhất là các nguồn lực kinh tế rất cần thiết để hỗ trợ việc tổ chức quân đội ở quy mô lớn. Thứ hai là đối với hệ thống quốc tế, cả năng lực tài chính lẫn sức mạnh quân sự đều luôn có tương quan và nên được xem là như thế.
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI