Cuốn sách Xứ trầm hương của nhà văn Quách Tấn (1910-1992) là một tác phẩm viết về tỉnh Khánh Hòa, quê hương thứ hai của ông sau quê nhà Bình Định.
Xứ trầm hương được Nxb. Lá Bối (Sài Gòn) ấn hành lần đầu tiên năm 1969, vừa mới ra đời đã được độc giả niềm nở đón nhận. Năm 1992, cuốn sách được Nxb. Tổng Hợp Khánh Hòa tái bản lần thứ nhất, nội dung có chỉnh sửa đôi chút. Đến năm 2002, cuốn sách được Hội Văn học Nghệ thuật Khánh Hòa tái bản lần thứ hai, bổ sung phần Phụ lục, dày 600 trang. Cuối năm 2018, Xứ trầm hương được Nxb. Đà Nẵng tái bản lần thứ ba - ấn bản kỷ niệm.
Ấn bản Xứ trầm hương do Omega+ ấn hành năm 2019 dựa trên bản nền của Nxb. Lá Bối năm xưa - bản in mà gia đình ông cho là khả tín nhất về vấn đề văn bản học.
Viết Xứ trầm hương, theo ông Quách Tấn là:
«Tôi chỉ làm một việc mà nhiều người có thể làm được, nếu muốn, là ghi chép lại những gì đã thấy, đã nghe, đã cảm trong mấy mươi năm sống cùng non nước Khánh Hòa.
Ghi chép lại vì nhận thấy đẹp, thấy hay, thấy thú, thấy đáng yêu đáng quí, đáng ra công gìn giữ cho đoàn hậu tiến có lòng cùng nước cùng non.
Ghi chép lại hầu mong bạn phương xa ghé mắt rồi đem lòng thương tưởng đến Khánh Hòa mà tôi kính yêu như bà Nghĩa Mẫu, vì nuôi nấng tôi gần nửa đời người.
Mục đích viết Xứ trầm hương là thế, và chỉ có thế.
Nghĩa là tôi không có tham vọng viết một quyển sách địa lý, mà chỉ mong giới thiệu được những cái hay cái đẹp của Khánh Hòa, về mặt thiên nhiên cũng như về mặt nhân sự.»
+TRÍCH ĐOẠN HAY:
“Nha Trang do chữ Chàm Ea Tran hay Yjatran mà ra. Trong các sách viết trước thời Pháp thuộc, đã dùng đến. Như trong tập Phương Đình dư địa chí của Nguyễn Siêu đời Tự Đức nói về tỉnh Khánh Hòa, ghi rõ rằng: “Năm Quý Sửu đại quân lấy lại Bình Khang doanh, tiến đánh thành Qui Nhơn, lúc ban sư đắp thành đất ở thủ sở Nha Trang gọi là thành Diên Khánh, núi sông thực là thiên hiểm, tục gọi là Nha Trang thành.”
Như thế, Nha Trang dùng gọi thành Diên Khánh từ thời Gia Long mà mới dùng gọi tỉnh lỵ từ ngày Pháp đặt nền đô hộ ở Trung Việt.
Trong Đại Nam nhất thống chí của Cao Xuân Dục soạn triều Duy Tân cũng có nói đến Nha Trang. Song không phải tên thành phố mà tên một nguồn của con sông Cù Giang: Nguồn Nha Trang. ”
“Làm tổ xong thì lo đẻ. Song người lấy tổ không để chim kịp đẻ đã lo làm mùa, nghĩa là lấy tổ. Tổ lấy xong độ năm ba hôm sau thì chim làm tổ khác, nơi chỗ cũ. Kỳ nầy thì chim được phép đẻ tự do. Và người lấy tổ đợi chim con biết bay rồi mới làm mùa thứ hai…
Lấy tổ yến không phải dễ. Phải làm giàn tre để leo, hoặc dùng dây thừng để lên xuống. Nhiều khi phải leo thật cao, rồi nắm dây tụt xuống tận vực thẳm, trong những hang tối om và không hơi gió lọt. Nhiều hang chỉ vào được lúc thủy triều xuống để lộ cửa hang. Cửa hang lắm nơi chỉ vào lọt một em bé. Người vào hang phải hết sức lanh lẹ để trở ra kịp lúc nước triều chưa lên.”
Nhà Tây Sơn là một triều đại quân chủ trong lịch sử Việt Nam tồn tại từ năm 1778 đến năm 1802, được thành lập trong bối cảnh tranh chấp quyền lực cuối thời Lê Trung hưng (1533 – 1789). Theo cách gọi của phần lớn sử gia, nhất là các sử gia Việt Nam hiện đại thì “nhà Tây Sơn” được dùng để gọi triều đại của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, nhằm phân biệt với nhà Nguyễn của Nguyễn Ánh (vì cùng họ Nguyễn).
Lịch sử nhà Tây Sơn là vấn đề lớn được giới nghiên cứu sử học và toàn thể nhân dân ta quan tâm tìm hiểu. Nhiều tác phẩm đã viết về thời đại Tây Sơn, viết về những anh hùng dân tộc thời Tây Sơn, tuy chưa thật đầy đủ, nhưng những gì đã được công bố và tổng kết trong các công trình đã xuất bản là rất công phu và ý nghĩa.
Cuốn sách Nhà Tây Sơn của nhà văn Quách Tấn được biên soạn sau quá trình 50 năm miệt mài tìm tòi, sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép các sự kiện lịch sử về nhà Tây Sơn. Năm 1983, nhà văn Quách Tấn, lúc đó dù đã trên 70 tuổi, với sự giúp đỡ đắc lực của con trai Quách Giao đã viết nên tác phẩm Nhà Tây Sơn.
Nhà Tây Sơn của Quách Tấn – Quách Giao, bên cạnh những thông tin mới chỉ có ở tác phẩm này, còn có những chi tiết khác so với các tài liệu và sách báo đã công bố về nhà Tây Sơn, ví dụ: về tên cha mẹ của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, việc xác định quê quán của Đô đốc Trần Quang Diệu; mối liên quan giữa các tướng lĩnh Tây Sơn như Bùi Thị Xuân và Ngô Văn Sở, Đô đốc Ðặng Văn Long và Đô đốc Ðặng Tiến Ðông…
Tác phẩm được viết với phương pháp ghi chép lại các sự kiện lịch sử theo sự phản ánh của nhân dân địa phương, cụ thể là theo lời truyền của các bậc trưởng thượng từng sống trong thời Tây Sơn ở đất Tây Sơn, và viết dựa theo các tư liệu lịch sử đáng tin cậy gồm 12 bộ sử ký về nhà Tây Sơn được nhân dân lưu giữ, cùng với các tài liệu lịch sử trong và ngoài nước có liên quan tới phong trào Tây Sơn. Bên cạnh đó, cuốn sách Nhà Tây Sơn của Quách Tấn – Quách Giao là tài liệu có giá trị về dòng dõi anh em vua Quang Trung; các danh tướng giúp vị anh hùng này cũng được truyền thần một cách hết sức sinh động.
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI