1. Sách
  2. ///
Logo Banner Home

Tác Giả trịnh lữ

Tổng hợp sách của tác giả trịnh lữ tại KhoSach.com.vn
name

Họa Sĩ Trịnh Hữu Ngọc - Di Sản Đặc Biệt Của Mỹ Thuật Đông Dương - Bìa Cứng

Cuốn sách “Họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc – Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” là trọn tâm huyết mà họa sĩ Trịnh Lữ viết về sự nghiệp hội họa, thực hành và giảng dạy thiết kế nội thất của cha ông, cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc - một người con Việt Nam được đào tạo bởi trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đầu thế kỷ 20. Với gần 400 trang khổ lớn, hơn 600 hình ảnh, tranh vẽ, tác phẩm như một chuyến đi trải nghiệm dành cho độc giả để khám phá chân dung, cuộc đời và sự nghiệp của cố hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ, hành trình ấy của cụ Ngọc cứ miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là Thiền Họa.

Cuốn sách gồm các phần

- Cuộc đời và sự nghiệp: Tuổi thơ, Lập thân, Học nghề, Cách mạng và Chiến Tranh, Cuộc đời mới…

- Di sản đặc biệt: Tác phẩm từ thời sinh viên, Đồ gỗ Mémo, Tác phẩm minh họa, Tranh sơn ta, Từ Ấn tượng đến Thiền họa…

- Bình luận, tưởng niệm: Cảm tưởng, Một số trích đoạn báo chí, Thư gửi thầy giáo…

Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh chính trị, văn hóa-xã hội, tác giả đã khắc họa được không chỉ khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của cụ Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi, mà còn nêu bật những đóng góp của cụ cho một quê hương trong không chỉ chiến tranh mà cả giai đoạn xã hội đổi mới, bất chấp những khó khăn và thử thách trong cuộc sống và sự nghiệp riêng. Được đào tạo về hội họa ở Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương, nhưng Trịnh Hữu Ngọc đã vận dụng kiến thức và sức sáng tạo cá nhân vào không chỉ cách vẽ tranh, nghiên cứu làm ra vóc sơn ta theo kỹ thuật riêng mà cả các lĩnh vực mỹ thuật khác, và gặt hái được những thành công cùng sự công nhận với xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, minh họa Sách Hoa Xuân, báo Tri Tân... Bạn đọc sẽ thấy rằng sự nghiệp của Trịnh Hữu Ngọc gắn bó chặt chẽ với mỹ thuật ứng dụng, giúp làm giàu cho đời sống thiết thực của người dân Việt bằng những ý tưởng và đóng góp từ tài năng Việt.

Sự nghiệp của cụ đặc biệt được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân-Thiện-Mỹ xuyên suốt, mà tiêu biểu là cách thực hành Thiền Họa “mắt nhìn tay vẽ”, được thể hiện rất rõ qua kho tư liệu các tác phẩm trong cuốn sách này. Độc giả sẽ được chiêm nghiệm không chỉ cách vẽ, tư duy hội họa của Trịnh Hữu Ngọc theo cách nhìn Hiện thực thiên về Ấn tượng Tình cảm, mà còn có cơ hội đối chiếu và so sánh những tác phẩm đó với bút pháp và phong cách của những thầy cô mà cụ Ngọc kính trọng là Victor Tardieu, Joseph Inguimberty hay Alix Aymé.

Điểm đặc biệt của cuốn sách là không chỉ như một bảo tàng sự nghiệp hội họa, thiết kế nội thất của cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, thêm vào đó với những tài liệu quý báu và hiếm hoi về cụ, cùng song ngữ Việt Anh, người đọc hiểu được vì sao ông xứng đáng là Di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương. Cuốn sách chắc chắn sẽ làm thỏa mãn những độc giả yêu thích Mỹ thuật Việt Nam, Mỹ thuật giai đoạn Đông Dương, Mỹ thuật ứng dụng và rộng hơn là cả những ai say mê với văn hóa nghệ thuật, muốn bảo tồn và tôn vinh di sản, con người Việt.

Ý nghĩa của ảnh trên bìa sách

- Bức tranh mới tìm được gần đây (của 1 nhà sưu tập gửi tin cho bác Trịnh Lữ), được phát hiện ra là tranh của cụ Ngọc. Tên tác phẩm là Ra đồng một sớm cuối thu)

- Chiếc bàn do nhà MÉMO làm, từng được bác Hồ sử dụng để soạn ra Tuyên ngôn Độc lập, hiện giờ được đánh giá là di sản quốc gia → thể hiện sự công nhận của Hồ Chí Minh về tài năng của họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, cũng như những đóng góp của cụ cho nước nhà (bất chấp những hiểu nhầm và đánh giá không đúng về con người cụ)

TÁC GIẢ

Họa sĩ Trịnh Lữ (tên thật là Trịnh Hữu Tuấn, sinh năm 1948 tại Hà Nội), ông được thừa hưởng tình yêu với hội họa từ cố họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc và Nguyễn Thị Khang. Ông bén duyên với nhiều nghề như vẽ, viết, dịch thuật và tư vấn truyền thông phát triển và đều đạt được những thành tựu lớn. Nhưng vẽ đối với Trịnh Lữ như hơi thở trong cuộc sống của chính gia đình ông.Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật.

Một số thành tựu tiêu biểu

Năm 1993 ông được tờ Ithaca Journal (New York, Mỹ) trao giải "Nghệ sĩ của năm" với cuộc triển lãm tranh đầu tiên tại Ithaca – khi đang theo học ở Cornell. Trịnh Lữ tiếp tục có thêm các cuộc triển lãm cá nhân vào năm 1994 tại Ithaca; năm 2015 tại Hà Nội (Việt Nam) và năm 2017 tại Shorewood (Winconsin, Mỹ).

Ông sáng lập Vietnam Opportunities – tờ tin đầu tiên của một cá nhân Việt Nam tại Mỹ, Trịnh Lữ được nhìn nhận như người khai phá, mở đường đưa Việt Nam đến Mỹ từ góc độ báo chí. Tờ báo ra mỗi tháng 2 số, mỗi số 16 trang, từ 1995 đến cuối 1996 thì dừng lại khi quan hệ Việt - Mỹ tiến triển. Trịnh Lữ từng được giải thưởng liền trong hai năm 2004 – 2005 của Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội. Ông còn viết sách bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Tác phẩm mới nhất là cuốn Vẽ Gì Cũng Là Tự Họa

name

Đi Vẽ - Nhật Ký Hội Họa 2014 Của Trịnh Lữ

“Đi vẽ - Nhật ký hội họa 2014 của Trịnh Lữ” – là 70 đoạn ghi chép kèm theo gần 70 bức tranh phong cảnh được in màu toàn bộ trên giấy C120 của Họa Sĩ Trịnh Lữ trong hơn một trăm ngày đạp xe đi vẽ phong cảnh trên đất Mỹ. Xin trích lời của Họa Sĩ Trịnh Lữ trong buổi Triển lãm Tranh năm 2015 tại Hà Nội để giúp bạn đọc có thể hình dung và hiểu về nội dung cuốn sách này:

Phong cảnh là gì?

Là hình tượng của Trời, Đất, và Đời.

Vẽ phong cảnh là đi tìm những hình tượng ấy chăng?

Cũng không hẳn thế.

Vậy thì vẽ gì?

Vẽ cái hữu duyên chợt nhìn thấy, nhận ra.

Gọi là gì?

Là cái “giao cảm” riêng tư giữa mình với cảnh.

Khi mình cũng đang là khóm cây, ngọn cỏ, vệt nắng, vẩn mây

Đang cùng thầm hát theo tiếng nhạc đời trầm lắng...

Những tự vấn ấy len lỏi vào lời, vào tranh, lời nào, tranh nào cũng đầy bồi hồi, tha thiết. Từ mối “giao cảm” của tác giả với cảnh, mà ta nghe ra mối giao cảm của ta với tác giả. Vậy nên, cuốn sách này của Họa Sĩ Trịnh Lữ, vẽ cảnh nước người mà cái tâm tình thì gần gũi... Đọc những lời Trịnh Lữ viết, xem tranh Trịnh Lữ vẽ, bạn đọc hẳn bao giờ cũng sẽ có cảm giác ngồi xuống, uống trà, xem tranh, trò chuyện thân tình…

“Bài ký nào, bức họa nào cũng mộc như cái tình chân thành của người nghệ sĩ yêu đất, yêu trời, yêu đời, yêu người, rủ rỉ một mình, mà sao khiến người đọc dễ lây đến thế cái an nhiên tự tại.”

- Phạm Long -

Ý nghĩa của bìa sách: “cái ba lô liền ghế và chiếc xe đạp làm plein air studio” – đồ nghề đi vẽ khi ấy của tác giả. Một bức ảnh do tác giả chụp.

Cuốn sách dành cho tất cả các bạn độc giả yêu thích Trịnh Lữ, yêu thích mỹ thuật, yêu thích tản văn nhẹ nhàng…, “bạn đọc có lòng với cuộc đời và hội họa” như Phạm Long viết.

THÔNG TIN TÁC GIẢ:

TRỊNH LỮ (sinh năm Đinh Hợi tại Hà Nội) – Kỹ sư Xây dựng Mỏ (ĐH Mỏ - Địa chất), Thạc sỹ Khoa học Truyền thông (ĐH Cornell). Công tác địch vận trên sóng phát thanh trong chiến tranh chống Mỹ. Chuyên gia Truyền thông Phát triển của Liên Hợp Quốc. Tư vấn độc lập về chiến lược và truyền thông phát triển (Việt Nam và Mỹ). Dịch và viết sách văn học, hội họa, nhiếp ảnh, tham gia podcasts và làm diễn giả trong nhiều sự kiện của thanh thiếu niên sinh viên hiện nay. Đã có nhiều triển lãm cá nhân cũng như tham gia triển lãm nhóm tại Mỹ và Việt Nam.

THÔNG TIN VỀ NGƯỜI CHỦ TRƯƠNG VÀ GIỚI THIỆU:

PHẠM LONG (sinh năm 1960 tại Hà Nội) – Tiến sĩ Vật lý. Từng tham gia chuyển ngữ một vài cuốn sách nghệ thuật như Về cái Tinh thần trong Nghệ thuật (Kandinsky), Điêu khắc Ngày nay (Judith Collins), Lê Quảng Hà: Kỳ hình Dị tướng (Shireen Naziree), Francis Bacon: Họa sĩ thì phải vẽ (Michel Archimbaud), Trò chuyện với Dali (Alain Bosquet)... song phần lớn đều không xuất bản mà chỉ chia sẻ cho bạn bè đọc chơi. Viết tự do cho các tạp chí Mỹ thuật, Nghiên cứu Mỹ thuật, Mỹ thuật Nhiếp ảnh, và vài tờ báo mạng. Huy chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam.

GIẢI THƯỞNG/ TOP XẾP HẠNG/ CỘT MỐC ĐẠT ĐƯỢC:

Hơn một trăm ngày đạp xe đi vẽ của tác giả trong năm 2014, như ông đã chia sẻ trong sách này, đã dẫn đến nhiều sự kiện tốt lành khác, trong đó có ba sự kiện có ý nghĩa nhất mà chúng tôi đã quyết định đưa thêm vào sách này như dưới đây:

- Ra mắt Sách “ĐI VẼ – Nhật ký hội họa 2014” tại buổi khai mạc triển lãm “Đi vẽ Phong cảnh Mỹ” tại Hà Nội đầu năm 2015.

- Dân làng Shorewood tổ chức triển lãm tranh Trịnh Lữ vẽ phong cảnh địa phương mình năm 2016. Rồi tổ chức nhóm vẽ tranh hằng tuần với Trịnh Lữ là người truyền cảm hứng.

- Cuối năm 2018, tạp chí “Shorewood Hôm nay” giới thiệu Trịnh Lữ là một “hàng xóm” tốt lành của cộng đồng địa phương.

ĐÁNH GIÁ/NHẬN XÉT CHUYÊN GIA:

“Càng xem tranh ông, đọc các ghi chép đi vẽ hằng ngày của ông, người mê tranh mê chữ như được đồng thỏa niềm khát. Bảng màu của ông dung dị mà sang trọng, bút pháp hàn lâm, thâm hậu, ấn tượng và biểu cảm. Giọng văn ông gần9 gũi, nhẹ nhàng, giàu thi tính, khiến người đọc thấy như đang được rong ruổi xe đạp cùng ông, dựng giá vẽ bên lối mòn trong rừng hay ngồi phệt xuống đâu đó bên vệ cỏ một chiều ẩm ướt, nghe ông thủ thỉ chuyện đời trong khi chứng kiến những nét thiên nhiên hiện dần lên dưới tay bút kỳ tài. Tranh ông vẽ đất khách người dưng mà sao không thấy xa lạ cảnh sắc hay cách trở nhân tình. Thế giới phẳng bây giờ đâu cũng là nhà chăng? Bài ký nào, bức họa nào cũng mộc như cái tình chân thành của người nghệ sĩ yêu đất, yêu trời, yêu đời, yêu người, rủ rỉ một mình, mà sao khiến người đọc dễ lây đến thế cái an nhiên tự tại.” (Phạm Long, tr. 8-9)

TRÍCH ĐOẠN/ CÂU QUOTE HAY:

Mỗi trang nhật ký đồi có những câu trích hay, mang tính chiêm nghiệm nhẹ nhàng.

Lưu ý phải đặt những câu trích trong cả đoạn văn để thấy rõ hơn ý nghĩa của những ngẫm ngợi có được khi đi vẽ.

Bên cạnh đó là rất nhiều những đoạn văn mô tả cảnh sắc rất hay, rất đẹp.

1. Nhìn lại hai bức tranh hôm nay cũng học được một chút – cảnh nào cũng gây một cảm xúc khác nhau, khiến cho cách nhìn cách vẽ cũng khác nhau. Trời đất mà rộng lớn lộng lẫy thì mình bị chiếm ngự hoàn toàn, không từ cảnh mà nghĩ đến những riêng tư của mình nữa. Còn cảnh thân thuộc bình thường thì gợi ra đủ thứ nội tình, khiến cho cái nhìn thành hướng nội nhiều hơn. Từ lâu mình đã vẫn nghĩ rằng nếu cảnh nào cũng ra được một bức tranh có cách thể hiện riêng, không bức nào giống bức nào về cách vẽ, thì mới thực là thích. (tr.12)

2. Có thể sẽ chẳng bao giờ gặp lại người đã trở thành một nhân vật trong bức tranh của mình. Nhưng ý nghĩ rằng đó là một người mình đã gặp và chuyện trò, một lưu dấu của cuộc sống có thật đã làm nên bức tranh, khiến mình thấy an bình và biết ơn việc đi vẽ phong cảnh ngoài trời thật nhiều. (tr.19)

3. Đang chán nản thì nghe có tiếng trẻ con ngay sau lưng “it’s so good... so good”. Hai đứa bé gái chỉ ba bốn tuổi, đẹp rạng rỡ như trong tranh ngày xưa bước ra, khăn váy như minh họa trong sách truyện cổ tích, vừa nhìn bức tranh vừa nhìn mình như nhìn một con gấu hiền lành gặp giữa rừng. Rồi bé lớn hơn hỏi mình với một vẻ nhìn chứa đựng toàn bộ tâm lý tò mò của nhân loại: “What’s your name?” Lạ thế. Mình có cảm giác như lần đầu tiên trong đời nói tên mình cho thế giới biết. Bà mẹ xuất hiện. Lặng lẽ cười. Lặng lẽ nhìn. Rồi nhẹ nhàng đưa hai thiên thần bé xíu ấy đi về phía sông, không ra chỗ vệt màu burnt sienna của mình, mà về phía rừng cây, như biến mất vào không gian xanh xanh ấy. Ngay lúc ấy, cảm giác của mình chỉ giống như đang nằm mơ. Nhưng rồi nắng bỗng ùa xuống. Như thể có thiên thần sai khiến. (tr.28)

4. Cảm giác khi vẽ xong thật không gì có thể so sánh được. Dù nó cũng thoáng qua và không thể định dạng bằng ngôn từ. (tr. 32)

5. Cảm giác thật sảng khoái. Chỉ cần nắm giữ được cái dáng vẻ và màu sắc chung của khung cảnh – mà thực ra là một tổng hợp của những giây phút liên tiếp rất khác nhau. Bóng nước gương trời di chuyển những mảng sáng tối từ chỗ này sang chỗ kia, tùy theo mây tan hợp trôi nổi. Vẽ cảnh đúng là phải nhìn bằng cả sự thông cảm với thiên nhiên, chứ không phải chỉ bằng mắt. Trước hoàng hôn có cái hay là nước hồ bỗng dậy sóng dạt dào chứ không còn im ắng như sau cơn mưa. Và hải âu lại xuất hiện chao lượn như muốn níu kéo nắng đang mỗi lúc một óng ánh vì tương phản với bóng tối đang sắp đến chứ không còn toàn quyền bao phủ chan hòa vạn vật nữa. (tr. 36)

6. Chiều nay nhận ra một điều: nhìn chưa chắc đã thấy, và thấy chưa chắc đã nhận ra. Đi vẽ phong cảnh thì có nghĩa là không phải cứ nhìn là thấy cảnh muốn vẽ; và thấy cảnh muốn vẽ chưa chắc đã nhận ra cái mà mình cảm thấy muốn vẽ ấy thực sự là cái gì. Chỉ khi nhận ra cái thực sự thôi thúc mình vẽ thì mới có được bức tranh thuyết phục được chính mình và người xem. (tr. 38)

1

Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.