Chuyện Đời Xưa
"Chuyện đời xưa" được xuất bản lần đầu tại sài Gòn năm 1866, cũng là một trong những cuốn sách đầu tiên viết bằng chữ Quốc ngữ, do cụ Trương Vĩnh Ký ghi chép lượm lặt từ trong dân gian.
Được viết với văn phong bình dân, nó đã trở thành "sách gối đầu giường" của biết bao thế hệ người Việt.
Cho đến bây giờ, trải qua bao biến thiên của lịch sử, văn hóa và ngôn ngữ Việt; Chuyện đời xưa vẫn giữ được những giá trị cốt lõi, dạy con người ta về cách ăn ở, lối hành xử hợp đạo lý. Cuốn sách xứng đáng có mặt ở nơi trang trong nhất trong tủ sách của mọi gia đình người Việt.
Bài Giảng Lịch Sử An Nam
MỘT TRONG NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU ĐẦY GIÁ TRỊ VỀ LỊCH SỬ AN NAM!
Bài giảng lịch sử An Nam là công trình được Trương Vĩnh Ký tổng hợp và nghiên cứu từ nhiều nguồn tư liệu, viết về lịch sử Việt Nam xuyên suốt các thời kỳ, từ triều đại Hồng Bàng thị, trải qua một ngàn năm Bắc thuộc, cho đến thời kỳ đầu Pháp tiến vào Việt Nam. Tác phẩm này vốn được biên soạn nhằm mục đích giúp học trò của Trương Vĩnh Ký học ngoại ngữ thông qua lịch sử nước nhà, nên nội dung trong cuốn sách này hướng đến đại đa số người đọc phổ thông, khiến những câu chuyện lịch sử hiện lên một cách hết sức gần gũi, dễ hiểu.
Gia Định Phong Cảnh Vịnh
Khi nhắc đến những áng văn thơ cổ về Sài Gòn - Gia Định, người ta không quên ba bài phú rất nổi tiếng: Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Gia Định thất thủ vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh.
Cụ Trương Vĩnh Ký chép ra chữ Quốc ngữ và dẫn giải ba bài vịnh này vào năm 1882.
Trong ba bài thì "Gia Định thất thủ vịnh" không rõ tác giả là ai. Hai bài kia (Cổ Gia Định phong cảnh vịnh, Kim Gia Định phong cảnh vịnh) thì cụ Trương Vĩnh Ký cho rằng của Ngô Nhơn Tịnh, tuy sau này có người đặt giả thuyết rằng thuộc về tác giả khác.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu có viết lời giới thiệu và chú thích một số điểm trong ba bài phú nói trên trong lần tái bản kỷ niệm Sài Gòn ba trăm năm (1997).
Năm nay (2023) chúng ta lại in tái bản để nhắc nhớ về Gia Định - Sài Gòn xưa, để thấy miền Nam đã thay đổi rất nhiều, căn cứ trên cái nền là những di sản vật chất và tinh thần của vùng đất này. Chúng ta càng trân trọng tinh thần vươn lên phát triển của cộng đồng, của dân tộc Việt nam.
Chuyện Đời Xưa Của Trương Vĩnh Ký - Người Giữ Lửa Cho Tiếng Việt Miền Nam
Quyển Chuyện Đời Xưa của Trương Vĩnh Ký là quyển sách bán chạy nhất và đi vào lòng dân chúng nhiều nhất trong số hàng trăm tác phẩm của nhà văn này. In đi in lại nhiều lần, năm 1914 đã in tới 9000 bản trong một quốc gia lúc đó dân số chưa đầy 15 triệu với đường sá lưu thông không thuận tiện, sách báo in ở Sài Gòn lưu hành ra Trung và Bắc không phải là chuyện sinh lợi… Khi chữ Quốc ngữ phát triển đã vững vàng thì quyển sách này lại là món hàng được các nhà xuất bản ưa chuộng.
Tại sao quyển truyện khổ nhỏ, số trang không nhiều lại có sức thu hút như vậy?
Chính là nhờ ông Trương khi viết đã nhằm vào hai mục tiêu căn bản rất hợp lý. Và ông đã đạt được gần như trọn vẹn điều mình đưa ra:
1. Giáo dục về luân lý. Cho người đọc thấy những bài học tốt dùng trong cách ở đời của cả nam lẫn nữ, cách ứng xử phải đạo vào trạng huống cần thiết, đề phòng kẻ xấu, chớ cả tin, chớ cho rằng mình hay giỏi vì trên đời còn nhiều kẻ giỏi hơn mình…
2. Dùng tiếng Annam (Việt Nam) ròng. Trong toàn quyển truyện không hề có chuyện cố gắng làm văn chương một cách kịch cỡm. Mặc dù tô điểm văn chương không hẳn là xấu, ông chỉ sử dụng tiếng Việt thường nhật, với những từ ngữ của giới bình dân (tưởng đã xong đời, dồi quách, lẽo đẽo theo quấy, đút trây, trơ trơ mặt địa, đói xơ mép…). Người đọc đón nhận nồng nhiệt cũng vì lẽ đó. Nó gần gũi với người đọc trong từng câu chuyện đã đành, nó còn không cách xa về ngôn từ để kén chọn độc giả như là những tác phẩm bác học kiểu Đoạn Trường Tân Thanh, Chinh Phụ Ngâm, Cung Oán Ngâm Khúc, Tần Cung Nữ Oán Bái Công, Lưu Nữ Tướng, Dương Từ Hà Mậu, Kim Thạch Kỳ Duyên, Lôi Phong Tháp, Tây Du Diễn Truyện... Nó cũng dễ bắt ta tiếp tục đọc cho tới hết quyển, trái với những tác phẩm thuộc lớp trung lưu mà những nhà làm văn học sử gọi là tác phẩm bình dân như Trần Đại Lang, Trinh Thử, Trê Cóc, Thoại Khanh Châu Tuấn, Lý Công, Nữ Tú Tài, Nhị Độ Mai, Phan Trần…
Lời khuyên của Biên tập viên dành cho việc đọc cuốn sách
Chuyện đời xưa là cuốn sách tổng hợp những câu chuyện khôi hài thích hợp để đọc vui xả hơi sau ngày làm việc mệt nhọc cho cả người lớn lẫn trẻ em. Ngoài ra, cuốn sách này dành cho những người chú ý tìm hiểu/nghiên cứu ngôn ngữ - văn chương Nam Bộ, hoặc biên soạn từ điển tiếng Việt, cũng phải cần đọc nó, vì bên trong chứa đựng rất nhiều tiếng địa phương độc đáo của miền Nam nước Việt, một thứ văn liệu quý hiếm xác thực để làm việc.
Về các sự kiện trong truyện, tác giả còn khéo léo cho thấy sinh hoạt của dân chúng, hầu hết là vào đầu thế kỷ XIX, nên đây là nguồn tư liệu dồi dào về những chi tiết của cuộc sống dân ta mà gần như ngày nay không thể thấy được, không thể hiểu được cho tường tận do sự thay đổi của xã hội (ăn ong, ăn bánh lớ, cái chày mổ, đèn ló của ăn trộm, mõ ống, sư làm đám, hầm bắt cọp, bắt chồn, tục mai dong, tục ở rể, thách cưới, ăn chè trưa, thầy pháp trừ tà, ăn cướp trên sông…).
Tác giả Trương Vĩnh Ký
Tác giả: TRƯƠNG VĨNH KÝ (tên hồi nhỏ là Trương Chánh Ký, 1837 - 1898): CON NGƯỜI ĐẶC BIỆT CỦA THỜI NGƯỜI PHÁP MỚI TIẾN CHIẾM VIỆT NAM
Mồ côi cha từ khi 5 tuổi, ông được mẹ cố gắng nuôi cho học chữ Nho với một thầy dạy chữ Nho ở trong vùng. Tới năm 9 tuổi, ông đã thông thuộc nhiều sách Nho. Một người nhớ tới ơn xưa của cha ông đã giúp đỡ và xin cho ông vào đạo Thiên Chúa. Sau đó, ông có tên là Jean-Baptiste Pétrus Trương Chánh Ký, sau này đổi tên đệm là Petrus Trương Vĩnh Ký, viết và gọi tắt là Petrus Ký. Ông được giới thiệu và giúp việc giảng đạo với cha Long, tên thật là Charles Emile Bouillevaux, một linh mục người Pháp đang giảng đạo chui trong vùng. Sự đời đưa đẩy ông gặp linh mục Hòa (Thừa Hòa), tức Borelle, cũng là một linh mục người Pháp. Ông học hai năm ở giáo đường Cái Nhum, ba năm ở trường đạo Pônhalư (Campuchia) và tám năm ở chủng viện Dulaima (Penang, Malaysia).
Tại những nơi này, đặc biệt là ở Dulaima, ông được học với nhiều thầy giỏi và tiếp xúc với bạn học ở nhiều nước khác nhau. Với trí thông minh phi thường, với tinh thần cần cù hiếm thấy, Trương Vĩnh Ký luôn luôn là một học sinh xuất sắc toàn diện. Riêng về ngoại ngữ, lúc mới 22 tuổi (năm 1859) ông đã có thể sử dụng thông thạo 15 ngôn ngữ phương Tây và 11 ngôn ngữ phương Đông.
Năm 1863, là thành viên của phái đoàn Phan Thanh Giản sang Pháp. Sau khi về nước, ông hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và báo chí. Năm 1866, làm hiệu trưởng trường đào tạo thông dịch viên ở Sài Gòn. Năm 1869 làm chủ nhiệm Gia Định báo.
Những năm cuối đời, ông chuyên tâm dạy học và viết sách. Ông đã góp phần đào tạo cho đất nước hàng ngàn trí thức trẻ và để lại cho kho tàng văn hóa dân tộc và nhân loại hơn 120 tác phẩm về nhiều chuyên ngành: ngôn ngữ, lịch sử, địa lý, pháp luật, kinh tế, chính trị, sinh học, văn học v.v… Những công trình này đã có tác dụng khai sáng cho thế hệ trẻ, mở mang sự hiểu biết: hiểu biết thiên nhiên, hiểu biết xã hội, hiểu biết con người.
Trương Vĩnh Ký đặc biệt quan tâm đến việc bước đầu hoàn thiện và phổ biến chữ quốc ngữ. Với tầm nhìn hết sức sáng suốt, ông thấy rõ giá trị, tác dụng vô cùng lớn lao của công cụ biểu đạt này, nên đã mạnh dạng đưa nó thoát khỏi bốn bức tường kín của tu viện và đặt nó giữa lòng cuộc sống, trước hết là trường học (Trường thông ngôn Sài Gòn mà ông là Hiệu trưởng) và báo chí (Gia Định báo, tờ báo đầu tiên của nước ta mà ông là chủ bút).
Lúc sinh thời, Trương Vĩnh Ký được giới khoa học Châu Âu tôn trọng, đánh giá rất cao. Ông được mời làm hội viên các hội Nhân chủng học, Địa lý Paris, Giáo dục nhân văn và khoa học… Năm 1874, ông được phong Giáo sư ngôn ngữ Á Đông và được tôn vinh là một trong mười tám “toàn cầu bác học danh giá” ngang với những tên tuổi lẫy lừng của phương Tây thời đại đó.
Người chú giải: NGUYỄN VĂN SÂM
Giáo sư Nguyễn Văn Sâm sinh ra tại Sài gòn, 1940. Từng dạy ở trường Nguyễn Ðình Chiểu, Mỹ Tho, Petrus Ký, Ðại Học Văn Khoa (Sài gòn) và các trường Ðại Học Vạn Hạnh, Cao Ðài, Hoà Hảo, Cần Thơ.
Ông sang Mỹ từ năm 1979 và vẫn sống bằng nghề dạy học. Viết cho Văn, Văn Học và các tạp chí Việt ngữ của người Việt. Trước 1975 chuyên viết về biên khảo văn học. Giáo sư Nguyễn Văn Sâm qua Mỹ viết truyện ngắn vì những thôi thúc phải nói lên sự suy nghĩ của mình về quê hương và thân phận người Việt, ngay trên quê hương, hay lạc loài tha hương.
Gần đây, Giáo sư Nguyễn Văn Sâm trở về gia tài cổ của dân tộc bằng cách phiên âm các tuồng hát bội, truyện thơ viết bằng chữ Nôm chưa từng được phiên âm mà nguyên bản hiện còn đang nằm trong các thư viện lớn ở Âu Châu.
Các tác phẩm văn chương quốc ngữ ban đầu được xuất bản với mục đích giúp cho người mới học chữ quốc ngữ làm quen mặt chữ, tập đọc và có chút hiểu biết về cách viết, cách trình bày, đồng thời có một bài học luân lý nho nhỏ, như Trương Vĩnh Ký đã trình bày trong “Ý sách Chuyện đời xưa”: “Kêu rằng: Chuyện đời xưa, vì nó là chuyện những kẻ lớn trước ta bày ra để mà khen sự tốt, chê sự xấu cho người ta sửa cách ăn, nết ở cho tử tế…
Hỗ trợ học tập hiệu quả với tài liệu PDF, Word - SachTruyen.com.vn chia sẻ các tài liệu học tập chất lượng, bao gồm sách, bài tập, đề thi, giúp người dùng học tập hiệu quả và đạt kết quả cao trong các kỳ thi.
DANH MỤC NỔI BẬT
Tài Liệu Toán, Tài liệu Tiếng Anh, Tài Liệu Công Dân, Tài Liệu Địa Lí, Tài Liệu Lịch Sử, Tài Liệu Sinh Học, Tài Liệu Ngữ Văn, Tài Liệu Hóa Học, Tài Liệu Vật lí.
VỀ CHÚNG TÔI